Thị trường hàng không nội địa bùng nổ, quốc tế vẫn khó khăn
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 18:39, 15/07/2022
Nội dung được nêu ra trong báo cáo về tình hình thị trường hàng không 6 tháng đầu 2022 gửi Bộ Giao thông Vận tải của Cục Hàng không Việt Nam. Theo đánh giá, thị trường nội địa bắt đầu hồi phục từ 4/2022 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6/2022.
Cụ thể, thị trường nội địa tháng 6 đạt 5 triệu khách, tăng 20,9% so tháng 5 và tăng 38,8% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm hè trước khi xảy ra dịch COVID-19). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6 đều rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.
"Điều này cho thấy, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2022", báo cáo của Cục Hàng không nêu.
Tính đến 30/6, các hãng hàng không Việt Nam (bao gồm Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines) đang khai thác gần 60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Đặc biệt các hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang... như tần suất khai thác đi, đến Phú Quốc hiện tại đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày. Năm 2019, điểm bay chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa mỗi ngày.
Trái ngược với sự sôi động của thị trường hàng không nội địa, đến thời điểm hiện tại, tốc độ hồi phục của thị trường quốc tế còn thấp. Nguyên nhân do nhiều quốc gia, khu vực (đặc biệt là các quốc gia Đông Bắc Á) vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Được biết, thị trường hàng không quốc tế hiện có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines). 34 hãng này đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Hồng Kông, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Úc, Đức, Pháp, Anh, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ...
Hiện các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Ấn Độ được coi là thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ gồm Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya. Đồng thời hãng cũng tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7/2022.
Các hãng hàng không Việt Nam và Singapore từng bước tăng tần suất trên các đường bay giữa Singapore và Hà Nội, TP.HCM, đồng thời mở mới đường bay kết nối với Đà Nẵng và Nha Trang trong mùa hè 2022.
Đối với thị trường Hàn Quốc, ngoài việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội - TP.HCM, các hãng hàng không Air Seoul, Air Busan, Korean Air của Hàn Quốc và Vietjet Air cũng từng bước khai thác trở lại các đường bay giữa Việt Nam và Busan cũng như giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng, Nha Trang từ 6/2022.
Thị trường Malaysia sẽ có thêm hoạt động khai thác của Vietjet Air trên 3 đường bay mới từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đến Kuala Lumpur từ tháng 7/2022;
Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc đang từng bước mở cửa cho các chuyến bay chở khách vào nước này. Bước đầu Vietnam Airlines đã có 2 chuyến bay/tuần được chở khách đi lại giữa hai nước.
6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách đạt 23,3 triệu khách, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ 2019.
Tổng thị trường hàng hóa đạt 651 ngàn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 146,9 ngàn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ 2021 và giảm 29%.