Cảnh đối lập khang trang - nhếch nhác ở các cầu vượt bộ hành tại TPHCM
Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 15/07/2022
TPHCM hiện có khoảng 27 cầu vượt bộ hành bắt qua nhiều tuyến đường đông đúc xe cộ của thành phố. Chức năng của cầu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đường, đồng thời hạn chế cản trở, ùn tắc giao thông.
Cầu vượt bộ hành Văn Thánh với kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng, băng qua đoạn đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) có 8 làn xe. Cầu là giải pháp hỗ trợ tốt cho người đi bộ qua đường trong bối cảnh mật độ giao thông tăng cao tại khu vực này.
Cầu vượt bộ hành đường Nguyễn Văn Cừ từng bị nhiều người phản ánh về tình trạng rác thải hiện đã dọn dẹp sạch hơn. Cảnh quan chỉnh chu, nâng cấp đáng kể. Việc vệ sinh cầu được nhóm công nhân thực hiện hàng ngày. Mới đây, cầu vượt bộ hành này thiết kế thêm mái che nắng, mưa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi bộ qua đường Nguyễn Văn Cừ.
Cầu vượt bộ hành số 4 đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) vẫn khang trang dù đã đi vào hoạt động nhiều năm. Khu vực cầu thang và mặt chính của cầu khá sạch sẽ.
"Chúng tôi thường xuyên qua lại chiếc cầu này. Ngoài việc thu dọn vệ sinh, người dân địa phương còn chú trọng tạo cảnh quan cho cầu", bà Lệ - người dân sống gần cầu vượt - cho biết.
Giàn hoa giấy đẹp mắt trên cầu vượt bộ hành số 4 đường Phạm Văn Đồng tạo cảnh quan thơ mộng cho tuyến đường.
Cầu vượt bộ hành đường Nơ Trang Long nằm liền kề với khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh). Đây là cầu vượt bộ hành được đầu tư cơ sở vật chất tốt bậc nhất tại TPHCM với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Cầu có trang bị thang máy ở 2 đầu, giúp y bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân người bệnh đến điều trị tại bệnh viện thuận tiện qua đường, giảm ùn tắc giao thông.
Dù được đầu tư cơ sở vật chất tốt, có thang máy ở hai đầu nhưng cầu vượt bộ hành đường Nơ Trang Long (cạnh Bệnh viện Ung Bướu) vẫn không phải là lựa chọn ưu tiên nhất của bệnh nhân. Nhiều người vẫn lựa chọn băng qua ở vạch kẻ đường cho người đi bộ bên dưới.
"Tôi không quen với việc đi thang máy. Dân hai lúa như tôi đã quen cách đi bộ qua đường dù phải tránh xe khá vất vả", ông Trực - bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Ung Bướu - nói.
Theo nhiều người dân ở khu vực gần cầu vượt bộ hành này, mọi người ít chọn lối đi lên cầu vì thang máy không thật sự thân thiện. Ngoài ra, việc di chuyển vào thang máy cũng mất nhiều thời gian chờ đợi so với việc đi bộ qua đường.
Nhiều cầu vượt bộ hành có dấu hiệu xuống cấp, vệ sinh kém, chân cầu trở thành nơi tập kết rác thải. Một số cầu vượt có mái che trở thành nơi ở của người vô gia cư, khiến nhiều người e ngại mỗi khi qua lại.
"Tôi sống tạm ở cầu nhiều năm, luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên người qua lại khi thấy tôi ăn uống, nghỉ ngơi trên cầu thường tỏ vẻ khó chịu, xa lánh", ông Ký - người vô gia cư sống trên cầu vượt bộ hành số 3 đường Phạm Văn Đồng - cho biết.
Chân một cầu vượt bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng trở thành nơi tập kết rác thải gây mất mỹ quan đô thị.
"Tôi không biết vì sao công nhân vệ sinh và người dân địa phương không thu dọn những đống rác như thế này. Đâu mất nhiều thời gian hay công sức. Mong mọi người có ý thức tốt hơn", một người dân đi qua cầu vượt bộ hành đường Phạm Văn Đồng nói.
Mặt sàn cầu vượt bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng bị võng, đọng nước nhiều ngày. Sàn gạch ẩm ướt, mọc rêu trơn có khả năng gây té ngã khi người dân qua lại.
Một số cầu vượt bộ hành có hệ thống dây điện đứt, lộ ra bên ngoài tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi bộ.
Người vô gia cư vô tư mắc bạt che, trải chiếu, bày đồ đạc sinh hoạt trên một góc cầu vượt bộ hành (đường Nguyễn Văn Cừ).
Một cầu vượt bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt đã hỏng hệ thống chiếu sáng. Về đêm, nơi đây trở thành điểm tụ tập, vui chơi của nhiều thanh thiếu niên, người vô gia cư.
"Em cảm thấy rất bất an khi đi qua cầu vượt này vào ban đêm nhưng đây là lối đi tắt để em về nhà nhanh nhất. Những người tụ tập trên cầu lúc đêm khuya nhìn có vẻ đáng sợ", một bạn nhỏ dắt xe đạp qua cầu vượt bộ hành số 9 đường Võ Văn Kiệt cho biết.