Uy lực tàu ngầm Nga được ví như "tàu sân bay lặn dưới lòng đại dương"
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:10, 15/07/2022
Chuyên trang quân sự19fortyfive dẫn lời chuyên gia quân sự Brent M. Eastwood nhận định, Nga dù là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới nhưng hải quân nước này lại thiếu tàu sân bay - một trong những biểu tượng sức mạnh của nền quân đội lớn.
Bù lại, Nga sở hữu hạm đội tàu mặt nước và đặc biệt là tàu ngầm uy lực, mà sự xuất hiện của K-329 Belgorod được xem là tiêu điểm trong những ngày qua khi Nga chính thức biên chế tàu này. Giờ đây, Nga đã sở hữu tàu ngầm được ví như "tàu sân bay lặn dưới lòng đại dương" nhờ khả năng mang theo tàu ngầm cỡ nhỏ, ngư lôi có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, và những tên lửa hiện đại nhất trong kho khí tài.
K-329 Belgorod là tàu tấn công nhanh mang tên lửa dẫn đường lớp Oscar II. Chiếc tàu ngầm này đã được đưa vào biên chế vào ngày 8/7.
Một tính năng mà chuyên gia Eastwood cảnh báo có thể khiến các đối thủ của Nga lo lắng là Belgorod có thể trở thành một "tàu mẹ" lặn dưới đáy biển để triển khai các tàu ngầm do thám cỡ nhỏ, chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như các phương tiện tự hành và không người lái dưới nước khác.
Tàu ngầm cỡ nhỏ có thể lặn rất sâu, cho phép nó tiến hành các nhiệm vụ dưới đáy biển, đặc biệt trong những cuộc chiến dưới đáy biển sâu.
Belgorod là tàu ngầm lớn nhất Nga đóng trong 30 năm qua. Nó dài 167m, rộng 15m và chạy bằng 2 lò phản ứng hạt nhân. Tàu này có lượng giãn nước 24.000 tấn.
Với khả năng triển khai linh hoạt các tàu cỡ nhỏ hơn dưới nước, Belgorod được cảnh báo sẽ trở thành thế lực đáng gờm dưới lòng đại dương.
Mặt khác, một đặc điểm khiến Belgorod nhận được rất nhiều sự chú ý chính là nó dự kiến sẽ được trang bị ngư lôi có thể mang đầu đạn hạt nhân Poseidon. Tư lệnh lực lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ John Aquilino hồi tháng 5 đã cảnh báo về khả năng này.
Poseidon được gọi là ngư lôi nhưng bản chất của vũ khí này là một thiết bị không người lái chiến đấu dưới nước với tầm tấn công không hạn chế. Một chiếc Belgorod có thể mang 6 quả Poseidon.
Truyền thông Nga gọi Poseidon là "ngày tận thế" vì nó có khả năng san phẳng một thành phố bởi "một cơn sóng thần hạt nhân" khi nó được phóng ra. Đầu đạn của nó có khả năng tạo ra một vụ nổ có sức công phá 2 megaton, tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Poseidon có thể di chuyển với tốc độ cao dưới nước nhờ hệ thống lò phản ứng hạt nhân. Con số này ước tính vào khoảng gần 130km/h, nhanh gấp đôi tốc độ của hầu hết các tàu mặt nước. Lò phản ứng trên Poseidon được thu nhỏ nhờ sử dụng công nghệ tương tự như với công nghệ trên tên lửa hành trình liên lục địa Burevestnik. Theo RT, khi triển khai, Poseidon đủ khả năng để tiêu diệt căn cứ hải quân hay nhóm tác chiến tàu sân bay của đối thủ bằng một đòn đánh duy nhất.
Mỹ cũng từng đánh giá rằng, khi Nga chính thức biên chế Poseidon, ngư lôi này sẽ là "mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng" tới cảng biển, căn cứ quân sự ở duyên hải và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Belgorod lúc này sẽ trở thành vũ khí Nga dùng để răn đe hạt nhân với đối thủ.