Thiếu thuốc, vật tư y tế: Người khám chữa bệnh BHYT có được hoàn tiền?

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:28, 14/07/2022

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về phương án hoàn tiền cho người bệnh khi phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài do tình trạng thiếu hụt trong thời gian qua.
Thiếu thuốc, vật tư y tế: Người khám chữa bệnh BHYT có được hoàn tiền?
Một chiếc bơm cho ăn sử dụng 1 lần có giá 5.000 đồng nhưng bệnh nhân cũng phải cầm đơn thuốc do bác sĩ kê chạy đi mua ở nhà thuốc. Ảnh: T.D

Những địa phương thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những địa phương có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế gồm Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Nguyên nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đã được nêu ra và thời gian qua, Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã họp bàn để phân tích, gỡ vướng liên quan đến mua sắm đấu thầu, đặc biệt là cơ chế chính sách.

Về phía BHXH Việt Nam trách nhiệm là phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, để xây dựng các chính sách liên quan đến BHYT.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm 2021 đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương luôn phải theo dõi xem việc đấu thầu đã sắp hết hạn hay chưa, thuốc men ở các bệnh viện như thế nào… Kịp thời thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, BHYT về việc này” - ông Phúc nói.

Theo thống kê, có 7 địa phương đã hết hạn từ năm 2021 mà đến tháng 6, tháng 7 chưa mở được gói đấu thầu cho năm 2022. Vì vậy, khi chậm mở thầu như vậy ảnh hưởng đến chỉ định thuốc. Bên cạnh đó, có những địa phương chỉ đấu thầu theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng...

Đối với vật tư y tế, ông Phúc cho biết, hiện không nhiều tỉnh thực hiện được đấu thầu vật tư y tế, chủ yếu là các cơ sở khám chữa bệnh, việc mua sắm vật tư y tế khó hơn so với thuốc.

Vật tư y tế đang thực hiện chủ yếu theo Thông tư 58 của Bộ Tài chính, Thông tư 14/2020 của Bộ Y tế và các quy định này còn đang có vướng mắc, dẫn đến các cơ sở khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, sớm có sửa đổi để hướng dẫn các địa phương tham gia mua sắm vật tư.

Thông tin thêm về việc thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến - cho biết, hiện vẫn đang là thiếu cục bộ, một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở Trung ương cũng như Sở Y tế các địa phương còn chậm. Đơn vị đã thống kê có những mặt hàng hết hàng nhưng trên 3 tháng chưa đấu thầu, có những tỉnh dồn tập trung ở Sở y tế như Nghệ An, TPHCM, Hà Nội… tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu lại vật tư y tế, khá phổ biến.

Chờ hướng dẫn

Trao đổi về phương án hoàn tiền mua thuốc, vật tư y tế trong thời gian vừa qua, ông Phúc cho hay, trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh không có việc phải thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ năm 2018 quy định rất rõ cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phải đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT. Rõ ràng, trách nhiệm này thuộc cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, Luật BHYT quy định, một số trường hợp đặc biệt có thể thanh toán trực tiếp. Vậy, phải xác định đây có phải trường hợp thanh toán trực tiếp hay không? “Chúng tôi chờ ý kiến, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai thực hiện. Có 2 hình thức là cơ sở khám chữa bệnh thanh toán cho người bệnh, sau đó BHXH sẽ quyết toán cho cơ sở khám chữa bệnh và có thể thanh toán trực tiếp. Song việc thanh toán trực tiếp sẽ khó khăn” - ông Phúc nói.

Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT cho rằng: “Chúng ta sẽ áp dụng mức giá nào để khám cho người bệnh, chất lượng thuốc đó có đảm bảo hay không khi đi mua ngoài. Đặc biệt những thuốc cần đảm bảo, bảo quản theo quy định. Chúng ta không khuyến khích và không cho phép người bệnh tự đi mua thuốc. Có trường hợp thuốc đắt, người bệnh không thể bỏ số tiền ra mua về sau đó mới thanh toán. Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm, vừa đảm bảo mức giá, chất lượng, quyền lợi cho người tham gia BHYT”.

Quang Minh