6 tháng hơn 10 cuộc thi hoa hậu: "Loạn... kinh doanh nhan sắc nhố nhăng"?
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:26, 14/07/2022
"Tôi phản đối việc tràn lan thi nhan sắc"!
Nhẩm đếm sơ bộ, công chúng nhận thấy, riêng 6 tháng đầu năm nay chúng ta đã có hơn chục cuộc thi nhan sắc được tổ chức. "2m2 lại gặp một cô hoa hậu", "ra ngõ thấy người đẹp" là cách ví von "cười ra nước mắt". Với tư cách Tiến sỹ Mỹ học, nguyên giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, ông đánh giá như thế nào về thực trạng bùng nổ các cuộc thi nhan sắc hiện nay?
- Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, việc tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu là nhảm, nhố nhăng, vớ vẩn, phi thẩm mỹ.
Trên thực tế, có công ty đứng ra tổ chức thi hoa hậu với mục đích… kinh doanh tài chính. Ví dụ, một số doanh nghiệp xin cấp phép, sau đó đi xin tài trợ. Tiền tài trợ, sau khi trừ đi chi phí tổ chức, thừa bao nhiêu, ê-kíp... "đút túi" riêng.
Thậm chí người ta quan niệm tổ chức thi hoa hậu như một nghề, một dạng thức kiếm tiền, bớt xén, mời giám khảo cát-sê thấp để thu lợi nhuận, mà như thế là… hỏng.
Trong trường hợp này, các cô gái đẹp được đưa ra để kinh doanh nhan sắc. Chúng ta phải hết sức cảnh giác, rà soát, đánh giá từng cuộc thi có phải xuất phát từ mục đích làm kinh tế hay không?
Thứ hai, ngày xưa, nhắc đến hoa hậu là khán giả sẽ nhớ tên Hoa hậu Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Ngọc Hân… Tên tuổi của những người đẹp ấy đã được định hình giá trị trong lòng công chúng. Các cuộc thi thời đó cũng ít hơn, mức độ quan tâm của công chúng tập trung hơn.
Còn bây giờ, nhiều người ví von, "2m2 lại thấy một hoa hậu". Tràn lan thi nhan sắc, chúng ta có đủ các cuộc thi từ Hoa hậu Áo dài đến Hoa hậu Biển. Thử hỏi bao nhiêu người nhớ hết được tên các cuộc thi và tên hoa hậu.
Hệ lụy là sự bão hòa về hình thức, nhan sắc. Thử hỏi, có dễ dàng tìm ra người đẹp nhất của Việt Nam để đi thi nhan sắc quốc tế hay không?
Tôi cực lực phản đối, không đồng tình với cách làm như thế này!
Nhiều công ty đứng ra mua bản quyền các cuộc thi quốc tế, tổ chức liên tiếp phiên bản Việt trong một năm và cho rằng, đó là cách để người đẹp Việt tiệm cận với bản quyền, hình thức thi quốc tế. Ông có ủng hộ hay không?
- Tôi cho rằng, một năm, cả nước chỉ nên diễn ra hai, ba cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia để chọn những người đẹp nhất dự thi thế giới. Và các cuộc thi đó do Nhà nước, những cơ quan có uy tín đứng ra quản lý, tổ chức, không nên để doanh nghiệp tư nhân tiến hành.
Chạy đua về số lượng cuộc thi sắc đẹp thực sự là một "căn bệnh". Theo quan điểm của tôi, điều đó không tốt, làm lũng đoạn môi trường văn hóa nghệ thuật Việt Nam, làm hỏng hệ sinh thái, thẩm mỹ văn hóa Việt, giảm giá trị các cuộc thi mang tính quốc gia.
"Có tiền là đi làm giám khảo"?
Không chỉ "bội thực" về số lượng, đã có những cuộc thi bị phản ứng về chất lượng. Thậm chí, có cuộc thi vào đến vòng chung kết nhưng mới chỉ có 20-30 thí sinh đăng kí khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng thí sinh. Cá nhân ông cho rằng, kẽ hở của các cuộc thi nhan sắc hiện nay là gì?
- Bên cạnh việc rà soát lại ban tổ chức của các cuộc thi, một vấn đề khác phải bàn đến là ban giám khảo có đủ tư cách hay không.
Chúng ta điểm lại các cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia trước đây, giám khảo là ai? Đó là Tiến sỹ Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc, nhạc sĩ Phú Quang, NSND Lê Khanh…, những người nổi danh cả nước, có trình độ chuyên môn cao, việc tuyển chọn hoa hậu sẽ thuyết phục khán giả, đảm bảo chất lượng cuộc thi.
Còn hiện nay, ở một số cuộc thi tồn tại thực trạng, người có tiền là đi làm... giám khảo.
Tôi đã từ chối ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu vì phản đối việc ca sĩ không tên tuổi, chuyên viên trang điểm, làm tóc, thậm chí chủ spa… không có trình độ chuyên môn cũng đi làm giám khảo. Họ coi đó là cuộc thi hoa hậu cấp phường à?
Loạn thi hoa hậu và loạn ban giám khảo, dẫn tới chất lượng thí sinh cũng gây ra tranh cãi.
Không ít người cho rằng, việc nới lỏng các quy định về thi hoa hậu sẽ giúp nhiều cô gái tăng cơ hội thử sức ở các cuộc thi nhan sắc. Nhưng việc bùng nổ thi hoa hậu, liệu có đủ thời gian cho các nhan sắc chín muồi không, thưa ông?
- Khách quan đánh giá, có những cuộc thi, thí sinh chưa đủ độ chín, trình độ để đi thi quốc tế. Một năm có hàng chục cuộc thi thì người đẹp ở đâu ra nhiều vậy?
Trên thực tế, có thí sinh vừa thi xong một cuộc thi nhan sắc, không thể lọt top cao, đã vội vàng nộp đơn dự một cuộc thi khác. Đây là câu chuyện nên vui hay nên buồn, thưa ông?
- Cá nhân tôi đánh giá đó là cuộc "chạy sô" về nhan sắc, không mang tính nghiêm túc, còn ông chủ các cuộc thi đó tha hồ "hốt tiền".
"Một năm chỉ nên có 2-3 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia"
Ông có sợ việc mình đưa ra quan điểm phản biện một cách trái chiều, bên cạnh những ý kiến đồng thuận sẽ nhận về không ít "gạch đá"?
- Tôi không lo sợ và sẵn sàng đối diện. Tôi từng từ chối ngồi ghế giám khảo của một số cuộc thi, không phải vì tôi kiêu mà vì không đồng thuận với cách làm chộp giật của các cuộc thi này.
Dư luận từng phản ứng gay gắt, nặng nề trước những cuộc thi hoa hậu không đảm bảo chất lượng. Chia sẻ nào của khán giả khiến ông trăn trở nhất?
- Trăn trở nhất là khán giả thất vọng với chất lượng của thí sinh, ban giám khảo. Có cuộc thi, thí sinh trả lời ứng xử một cách ngớ ngẩn, thậm chí top 5 cũng để lộ sự non nớt, trình độ tiếng Anh hạn chế. Điều này trở thành một thứ phản văn hóa, thẩm mỹ.
Như ông chia sẻ, nhiều hoa hậu đăng quang đã rất lâu nhưng khán giả vẫn nhớ tên. Vậy điều gì giúp định vị tên tuổi của họ trong lòng công chúng?
- Đó là những hoa hậu đăng quang các cuộc thi lớn, có tầm cỡ cấp quốc gia như Hoa hậu Việt Nam chẳng hạn. Họ là những hoa hậu có nhan sắc thực sự, bên cạnh đó là sự thông minh, duyên dáng,… Việc trước đây hiếm các cuộc thi nhan sắc cũng là một trong những lí do giúp các người đẹp đăng quang được quan tâm hơn.
Vậy, ông đề xuất giải pháp gì để đảm bảo chất lượng các cuộc thi nhan sắc hiện nay?
- Thứ nhất, như tôi đã đề xuất, cần quản lý chặt chẽ hơn các cuộc thi hoa hậu và nên hạn chế, một năm chỉ nên có 2-3 cuộc cấp quốc gia. Người xưa có câu "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa".
Kiểm tra tư cách pháp nhân của các đơn vị tổ chức thi hoa hậu, đơn vị tổ chức cuộc thi phải có tầm cỡ, uy tín, ví dụ như báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
Cần có chế tài phạt nghiêm ngặt các cuộc thi hoa hậu không đủ chất lượng. Chỉ như vậy, mới chọn được người đại diện xứng tầm đi thi thế giới.
Thứ hai, thành phần ban giám khảo phải là những người nổi tiếng, có bằng cấp, trình độ chuyên môn, các chuyên gia về thẩm mỹ, nhân trắc học phải có bằng Tiến sỹ trở lên.
Để đảm bảo chất lượng thí sinh, cần thông tin cuộc thi từ sớm và kéo dài trên các phương tiện truyền thông để những người đẹp nhất đăng kí dự thi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ngày 25/3/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Một trong những điểm mới là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
Sự thông thoáng, cởi mở quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc của Nghị định 144 lại làm dấy lên lo ngại rằng, liệu tình trạng "loạn" hoa hậu có tái tiếp diễn?
Trước những ý kiến trái chiều, NSND Nguyễn Quang Vinh, Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ: "Đơn vị nào có đủ điều kiện, đăng ký chức năng hoạt động biểu diễn thì vẫn được phép tổ chức nếu được sự đồng ý của địa phương. Nếu cơ quan Nhà nước nào cũng yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện này, kia thì sẽ mất đi sự sáng tạo. Chúng ta chỉ có quy định hành lang là không được làm những điều pháp luật cấm".