Tổng thống Mỹ thăm Trung Đông: Giữa 'vật đổi sao dời'

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:47, 13/07/2022

Chuyến đi của ông Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia là cơ hội để Washington điều chỉnh cách tiếp cận với một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng.
(07.13) Một người dân chuẩn bị quốc kỳ của hai nước Mỹ và Israel trước thềm chuyến thăm của ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Một người dân chuẩn bị quốc kỳ của hai nước Mỹ và Israel trước thềm chuyến thăm Trung Đông của ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Bối cảnh mới

Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bài viết trên The Washington Post ngày 9/7, nhấn mạnh rằng Trung Đông đang thay đổi theo hướng “ổn định, an toàn hơn so với 18 tháng trước, khi chính quyền của tôi vừa mới nhậm chức”.

Thật vậy, chỉ trong hai năm 2020-2021, Israel đã bình thường hóa với bốn nước Arab vùng Vịnh bao gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, Morocco và thể hiện "dịu giọng" trong đàm phán với Saudi Arabia, với quan tâm chung là Iran. Trong khi đó, chính quyền Riyadh đã nối lại đối thoại trực tiếp với phiến quân Houthi tại Yemen sau khi hai bên nhất trí ngừng bắn.

Tuy nhiên, không phải thay đổi nào cũng là tín hiệu tích cực đối với Mỹ. Chính quyền liên minh tan rã ở Israel, căng thẳng ở Bờ Tây và lập trường gay gắt của Nhà nước Do Thái về nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran là biến số Mỹ phải tính đến.

Chính quyền liên minh tan rã ở Israel, căng thẳng ở Bờ Tây và lập trường của Nhà nước Do Thái về thỏa thuận hạt nhân Iran là biến số Mỹ phải tính đến.

Tương tự, một Riyadh sẵn sàng từ chối đề nghị tăng sản lượng dầu của Washington, nhưng lại tăng cường quan hệ với Moscow trong Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) và thúc đẩy hợp tác kinh tế-quân sự cùng Bắc Kinh sẽ là các vấn đề Tổng thống Mỹ Joe Biden cần cân nhắc khi đặt chân tới Trung Đông.

Theo lịch trình, ngày 13/7 (theo giờ địa phương) ông chủ Nhà Trắng đã tới Israel và gặp Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid, trước khi tới thăm khu Bờ Tây thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước Do Thái.

Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp chính trị gia kỳ cựu, lãnh đạo phe đối lập Benjamin Netanyahu, người có thể trở lại làm Thủ tướng Israel sau cuộc tổng tuyển cử thứ 5 trong 4 năm, cũng như Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine tại khu Bờ Tây.

Rời Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm chính thức Saudi Arabia, hội kiến Quốc vương Salman và có thể gặp gỡ Thái tử Mohammed Bin Salman trước khi dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia vùng Vịnh.

(07.13) Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp gỡ Thủ tướng Israel tạm quyền Yair Lapid và lãnh đạo phe đối lập Benjamin Netanyahu - Ảnh: Ông Joe Biden gặp gỡ ông Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm Israel năm 2016 (Nguồn: People Dispatch)
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp gỡ Thủ tướng Israel tạm quyền Yair Lapid và lãnh đạo phe đối lập Benjamin Netanyahu - Ảnh: Ông Joe Biden gặp gỡ ông Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm Israel năm 2016. (Nguồn: People Dispatch)

Khác biệt và hoài nghi

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Israel và Saudi Arabia của ông Biden là dịp để Washington điều chỉnh cách tiếp cận với một Trung Đông thay đổi nhanh chóng.

Tại Israel, gặp gỡ cả Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid lẫn lãnh đạo phe đối lập Benjamin Netanyahu là cách ông Joe Biden khẳng định rằng quan hệ Mỹ-Israel sẽ tiếp tục phát triển, bất chấp thay đổi trong bộ máy cầm quyền.

Trong khi đó, việc lên kế hoạch mở lại lãnh sự quán tại Jerusalem, cũng như chuyến đi tới Bờ Tây và tiếp xúc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần này sẽ khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo đó xung đột chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại hòa bình và giải pháp hai nhà nước.

Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của ông Biden là thúc đẩy quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia. Ông nhấn mạnh mình sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bay từ Israel sang Jiddah (Saudi Arabia), coi đây là “một biểu tượng nhỏ” trong xây dựng, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

Về phần mình, Thủ tướng tạm quyền Israel Yair Lapid nêu rõ: “Từ Israel, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Saudi Arabia và mang theo thông điệp hòa bình, hy vọng”.

“Từ Israel, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Saudi Arabia và mang theo thông điệp hòa bình, hy vọng”. (Thủ tướng Israel Yair Lapid)

Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn “thuận buồm xuôi gió” với ông chủ Nhà Trắng, đặc biệt là trong nỗ lực thuyết phục Israel Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo The Jerusalem Post, một nguồn tin ngoại giao Israel nhấn mạnh, “Israel sẽ nêu lập trường rõ ràng rằng thời gian dần cạn kiệt và cứu vãn JCPOA là vô nghĩa – giờ là lúc (Mỹ) trở lại Hội đồng Bảo an và nối lại cấm vận”.

Thăm dò dư luận mới đây do Viện Dân chủ Israel (IDI) tiến hành cũng cho thấy người Israel không mấy lạc quan về chuyến đi của ông Biden. Chỉ 44% cho rằng chuyến thăm sẽ tác động tới quan hệ Israel-Saudi Arabia và 11% tin Tổng thống Mỹ làm nên khác biệt trong giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Thay đổi vì lợi ích

Câu chuyện thậm chí còn khó khăn hơn với ông chủ Nhà Trắng tại Riyadh. Chẳng phải ngẫu nhiên Tổng thống Joe Biden lại có bài viết trên tờ The Washington Post với tựa đề “Tại sao tôi lại đến Saudi Arabia?” vài ngày trước chuyến thăm.

Bài viết nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng cải thiện với Saudi Arabia, dù ông Joe Biden từng chỉ trích mạnh mẽ Riyadh sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi và mới đây, Saudi Arabia từ chối yêu cầu của Mỹ về tăng sản lượng dầu.

Thú vị ở chỗ, tuy có nói về sự cố của ông Khashoggi, song bài viết không đề cập Thái tử Mohammad bin Salman hay một cuộc gặp giữa hai bên, chỉ nhấn mạnh ông chủ Nhà Trắng sẽ “tiếp xúc… Quốc vương Saudi Arabia”, tức Quốc vương Salman.

(07.13) Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ ngỏ khả năng gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. (Nguồn: AP/Collage)
Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ ngỏ khả năng gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. (Nguồn: AP/Collage)

Hợp tác năng lượng chắc chắn là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của ông Joe Biden tới Riyadh. Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ từng nói sẽ không trực tiếp gây sức ép đối với Saudi Arabia nhằm tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, phát biểu ngày 12/7, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan lại “gợi ý” rằng các thành viên của OPEC+ có đủ năng lực để “đi thêm một bước nữa” nhằm tăng sản lượng dầu.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu cao cấp Ben Cahill của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), cho rằng Saudi Arabia khó có thể tăng sản lượng và Riyadh sẽ chỉ cam kết chung về “cân bằng thị trường dầu mỏ”.

Điểm thú vị khác trong bài viết là quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Washington và Riyadh. Hiện Mỹ vẫn là nhà cung cấp khí tài hàng đầu cho Saudi Arabia.

Song hợp tác khăng khít giữa Bắc Kinh và Riyadh có thể khiến Washington nghĩ suy. Giá trị vũ khí Trung Quốc xuất khẩu sang Saudi Arabia giai đoạn 2016-2020 đã tăng 386% so với thời kỳ 2011-2015. Tháng 3/2022, hai bên vừa ký thỏa thuận tháng 3/2022 về sản xuất thêm máy bay không người lái (UAV) Dực Long II.

Phối hợp khăng khít giữa Saudi Arabia và Nga trong OPEC+ cũng khiến Mỹ bận tâm, đặc biệt khi Washington muốn tăng sản lượng dầu toàn cầu để bình ổn giá nhiên liệu trong nước và tăng hiệu quả các lệnh trừng phạt với Moscow.

Phối hợp khăng khít giữa Saudi Arabia và Nga trong OPEC+ cũng khiến Mỹ bận tâm, đặc biệt khi Washington muốn tăng sản lượng dầu toàn cầu để bình ổn giá nhiên liệu trong nước và tăng hiệu quả các lệnh trừng phạt với Moscow.

Ngoài ra, tại Riyadh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự kiến sẽ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel và kêu gọi chính quyền Thái tử Mohammad bin Salman tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hòa bình tại Yemen.

Với Washington, một liên kết chặt chẽ giữa hai nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát ảnh hưởng của Iran, buộc Tehran trở lại bàn đàm phán JCPOA.

Giữa “vật đổi sao dời”

Đặc biệt, xứ cờ hoa mong muốn khẳng định cam kết với khu vực Trung Đông.

Thời gian qua, chính quyền Mỹ đã có điều chỉnh chính sách, coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Washington cũng đang “hao tâm tổn sức” tại châu Âu khi tích cực gây áp lực với Moscow chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine: Kiev thừa nhận khả năng mất kiểm soát hoàn toàn Lugansk, hơn 2.000 binh sĩ nằm trong vòng vây. (Nguồn: AFP)
Xung đột Nga-Ukraine khiến Washington dành nhiều nguồn lực để gây áp lực nhằm buộc Moscow phải ngừng bắn. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng và cái lắc đầu của Saudi Arabia góp phần nhắc nước Mỹ về vai trò của khu vực Trung Đông, nơi nước này từng là người chơi quan trọng bậc nhất. Song giờ đây, mọi chuyện đã khác – Trung Đông có thể không cần Mỹ, nhưng Mỹ cần Trung Đông để giải quyết khó khăn của mình.

Trong bối cảnh đó, Washington cần nỗ lực xây dựng lại hình ảnh như một đồng minh, đối tác tin cậy sau thời gian dài “vắng bóng” tại khu vực nếu so với sự hiện diện, tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow và Bắc Kinh tại đây.

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia là bước chạy đà cần thiết để thực hiện mục tiêu đó, đồng thời nhắn nhủ rằng giữa “vật đổi sao dời”, Trung Đông vẫn có vị trí đặc biệt trong mọi cân nhắc chính sách của xứ cờ hoa.

Phan Quân