Khủng hoảng Sri Lanka: Tổng thống rời đất nước; ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc; Đại sứ quán Mỹ ra thông báo khẩn

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:42, 13/07/2022

Không quân Sri Lanka xác nhận, Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước đến Maldives trong sáng 13/7.
Khủng hoảng Sri Lanka: Tổng thống rời đất nước; ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc; Đại sứ quán Mỹ ra thông báo khẩn. (Nguồn: AP)
Đảng cầm quyền ủng hộ Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống. (Nguồn: AP)

Tuyên bố của lực lượng trên nêu rõ: "Theo quy định của Hiến pháp và theo yêu cầu của chính phủ, sáng sớm nay (13/7), Không quân Sri Lanka đã cung cấp một máy bay để đưa vợ chồng tổng thống, cùng 2 nhân viên an ninh tới Maldives".

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe với tư cách là quyền Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước và áp đặt lệnh giới nghiêm tại tỉnh miền Tây.

Thông báo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka nói rõ: "Vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết tình hình trong nước".

Cùng ngày, người biểu tình đã tràn vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức. Trước đó, ông Wickremesinghe cũng thông báo sẵn sàng từ chức nhằm mở đường cho một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Các nhà tổ chức biểu tình và các lãnh đạo công đoàn ngày 12/7 đã cảnh báo về một cuộc đình công và biểu tình lớn, nguy hiểm, nếu Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe không từ chức trong ngày 13/7 như thông báo trước đó.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, cùng ngày, một số thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền ở quốc đảo Ấn Độ Dương bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Wickremesinghe lên làm tổng thống. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định chính thức được đưa ra.

Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ nhận được đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa trong ngày 13/7. Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7.

Tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay có thể làm phức tạp hơn nữa nỗ lực nhằm giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua, xuất phát từ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm.

Lạm phát ở Sri Lanka đã ở mức cao kỷ lục 54,6% trong tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên 70% trong những tháng tới.

Trước những diễn biến trên, Đại sứ quán Mỹ tại Colombo, Sri Lanka đã ra thông báo hủy các dịch vụ vụ lãnh sự vào chiều 13/7 và toàn bộ các dịch vụ vào ngày 14/7 theo giờ sở tại.

Bảo Hà