IQ hay EQ quan trọng hơn? Thường xuyên thực hiện 5 điều này với trẻ, EQ sẽ được phát triển một cách tối đa
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 14:20, 13/07/2022
Mặc dù điểm số rất quan trọng nhưng việc trau dồi trí tuệ cảm xúc của trẻ còn quan trọng hơn cả chỉ số IQ. May mắn thay, so với chỉ số IQ, trí tuệ cảm xúc (EQ) có thể được cải thiện thông qua học tập và rèn luyện chăm chỉ. Nếu cha mẹ thường xuyên áp dụng 5 cách dưới đây để giao tiếp với con cái thì không chỉ cải thiện hiệu quả mối quan hệ cha mẹ - con cái mà còn nâng cao trí tuệ cảm xúc của trẻ rất nhiều.
Chỉ số IQ, EQ là gì?
IQ, hay chỉ số thông minh, là một chỉ số rút ra từ một bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn. Trong bài kiểm tra IQ nguyên bản, điểm được tính bằng cách chia số tuổi trí lực của người được kiểm tra cho số tuổi thời gian và rồi nhân số đó với 100.
IQ thể hiện các khả năng bao gồm:
- Xử lý thị giác và không gian.
- Kiến thức về thế giới.
- Dòng tư duy.
- Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn.
- Tư duy định lượng.
EQ, là một chỉ số đo lường mức độ thông minh về cảm xúc của một người. Chỉ số này thể hiện khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và thể hiện cảm xúc.
EQ tập trung các khả năng như:
- Xác định cảm xúc.
- Đánh giá cảm xúc của người khác.
- Kiểm soát cảm xúc của chính bản thân.
- Nhận ra được cảm xúc của người khác.
- Sử dụng cảm xúc để hỗ trợ cho quá trình giao tiếp xã hội.
- Kết nối với người khác.
Chỉ số IQ hay EQ cái nào quan trọng hơn?
IQ và EQ, đâu là chỉ số cần có hơn cả? Mỗi chỉ số đều có những thế mạnh riêng và rõ ràng, chúng đều mang đến những tác động tích cực rất lớn cho con người. Những người thành công bao giờ cũng có sự vượt trội về một trong hai yếu tố này, hay thậm chí là có cả hai. Nhưng thực tế, các chuyên gia đều cho rằng, khả năng quyết định sự thành công của một con người thì EQ chiếm tới 80% và IQ chỉ chiếm 20%. Về nhất thời, một người có IQ cao sẽ luôn được ưu ái hơn trong bất cứ cuộc tuyển chọn nào. Tuy nhiên để bền bỉ, lâu dài thì cần có cả những mối quan hệ xung quanh, và đây là điều EQ có thể làm được.
Cách giúp nâng cao trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là EQ của trẻ
1. Lắng nghe và đồng cảm với con
Đồng cảm không có nghĩa là hoàn toàn đồng ý với bất cứ việc làm, hành động, suy nghĩ nào của con mà là hiểu rõ suy nghĩ quan điểm của của con. Khi được cha mẹ ghi nhận, trẻ sẽ vô cùng tự tin và hài lòng với bản thân. Ngay cả khi trẻ chưa thành công, sự đồng cảm của cha mẹ vẫn giúp trẻ tăng chỉ số trí tuệ cảm xúc khi thấy được dỗ dành, khuyên nhủ.
Một trong những phương pháp tuyệt vời để các bậc cha mẹ hiểu con chính là sự lắng nghe. Hãy tập trung lắng nghe điều trẻ nói để hiểu điều trẻ đang cảm nhận. Khi bố mẹ hiểu trẻ thì sự đồng cảm cũng từ đó mà nảy sinh.
Một cách nữa là nói chuyện với trẻ thường xuyên. Điều này giúp cho cha mẹ và con hiểu nhau hơn. Đừng kiệm lời với trẻ con, nhất là những lời khen ngợi và khuyến khích trẻ. Chẳng hạn như khi trẻ lấy giúp bạn hay làm giúp bạn một điều gì, hãy nói cảm ơn trẻ, như vậy, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng.
2. Dạy trẻ hiểu về cảm xúc
Kiến thức về cảm xúc phản ánh những gì trẻ biết và hiểu về cảm xúc. Trẻ có kiến thức về cảm xúc sớm được thể hiện qua khả năng xác định cảm xúc dựa trên các tín hiệu, hiểu và sử dụng tên gọi cảm xúc và nhận ra tình huống nào gợi lên những cảm xúc khác nhau. Cha mẹ có thể trở thành người hỗ trợ, huấn luyện con bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết của con về những yếu tố trên.
- Học cách xác định các tín hiệu báo hiệu cách mọi người thể hiện cảm xúc khác nhau giúp con hiểu cảm xúc tốt hơn.
- Học cách gắn từ chỉ tên gọi vào các tín hiệu cảm xúc giúp con gọi tên được cảm xúc và thể hiện chúng rõ ràng hơn.
- Học cách nhận biết cảm xúc xuất hiện trong các tình huống khác nhau giúp con xác định những gì mà mình và những người khác đang cảm thấy và tại sao.
Những trẻ có kiến thức cảm xúc này được trang bị tốt hơn để hiểu, đáp ứng và quản lý cảm xúc của chính mình. Các con cũng có thể diễn giải tốt hơn những cảm xúc khác của người khác và phản ứng với người khác theo những cách phù hợp hơn.
3. Tôn trọng ý kiến của trẻ
Cha mẹ hỏi ý kiến của trẻ trước khi đưa ra một quyết định nào đó có liên quan đến trẻ. Điều này nhằm rèn luyện kỹ năng diễn đạt và tư duy logic của trẻ một cách có ý thức. Khi được hỏi ý kiến, trẻ sẽ không còn thụ động làm theo yêu cầu của cha mẹ mà sẽ tự huy động suy nghĩ, bắt đầu tổ chức ngôn ngữ, thể hiện ý tưởng và quan điểm.
Theo thời gian, cha mẹ sẽ thấy rằng các kỹ năng ngôn ngữ của con sẽ dần được cải thiện, trở nên tự tin và quyết đoán hơn, cũng biết cách giao tiếp với người khác và bày tỏ suy nghĩ của mình.
4. Trau dồi thái độ lạc quan cho trẻ
Trên thực tế, lạc quan là chìa khóa quan trọng nhất với một đứa trẻ có EQ cao. Nguyên do là chỉ có lạc quan trẻ mới có thể chủ động đối mặt với mọi vấn đề và có khả năng chống thất vọng tốt hơn, không dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, cũng như có tinh thần tự khuyến khích bản thân.
Trở thành một người cha/mẹ tốt là biểu hiện của một người lạc quan. Nên nhớ rằng trẻ thường sẽ học tập theo các cách tiếp cận vấn đề của bố mẹ. Cha mẹ có một thái độ "có thể làm được" sẽ dạy trẻ rằng trẻ cũng có thể mạnh mẽ, tập trung và kiểm soát được phản ứng của chúng. Đây sẽ là một thuộc tính cần thiết suốt đời.
5. Xây dựng các mối quan hệ
Nhiều cha mẹ lo lắng con mình nhỏ, dễ bị tổn thương nên luôn giữ con ở nhà và bao bọc quá mức. Tuy nhiên, cách tốt nhất để một đứa trẻ học cách hòa đồng với mọi người là có được nhiều cơ hội giao lưu. Cha mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác. Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận.
Kết luận: Thành công trong cuộc sống là kết quả của rất nhiều yếu tố. Cả IQ và EQ chắc chắn đều có ảnh hưởng đến sự thành công chung, cũng như từng khía cạnh của cuộc sống như sức khỏe, hạnh phúc và tình trạng thể chất, tinh thần. Thay vì tập trung quá nhiều vào yếu tố nào có ảnh hưởng lớn hơn thì ta nên dạy trẻ trau dồi kỹ năng của mình trong nhiều lĩnh vực, chính điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho trẻ sau này.
Theo Mộc - Vietnamnet