Giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 trên chuyến xe tình nguyện
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 09:05, 13/07/2022
"Cô ơi, gắng thêm chút nữa thôi. Tụi con sắp tìm được bệnh viện rồi. Cô gắng thở đều, thả lỏng người. Ráng lên cô nhé".
Tiếng nói của Lê Tấn Sang, sinh viên năm 4 ngành Y Đa khoa, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cất lên, lọt thỏm trong đêm tối. Bên cạnh Sang trên chiếc xe cấp cứu tình nguyện, hơi thở của bệnh nhân yếu đi từng phút.
Sang gọi hàng chục cuộc cho các bệnh viện, mỗi cuộc gọi bắt đầu bằng hy vọng le lói, rồi kết thúc bằng tiếng thở dài khi mọi cơ sở điều trị tại TP.HCM đều từ chối nhận bệnh nhân vì quá tải. Mồ hôi của túa ra đầm đìa, bàn tay run run, Sang tự trấn an bản thân, rồi quay sang động viên bệnh nhân dù chính mình hiểu rằng tử thần đang ập đến.
5h sáng, tròn 7 tiếng sau khi nhận chở ca bệnh, Sang mới đưa được bệnh nhân đến nơi điều trị. Giữa trưa, cuộc gọi từ người nhà báo Sang biết bệnh nhân không qua khỏi.
Cận kề nỗi đau
Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người tại TP.HCM, nhưng nỗi đau của dịch bệnh không chỉ tồn tại trên những con số vô cảm.
20.000 người ra đi không chỉ là là 20.000 mảnh đời phải lìa cõi tạm khi còn bao dự định dang dở, mà còn là hàng chục nghìn gia đình phải nuốt nước mắt vĩnh biệt người thân, bất lực nhìn kẻ thù vô hình gieo rắc thương đau, mà bản thân dù cố gắng cũng không thể nào chống đỡ nổi.
Tham gia đội cấp cứu thiện nguyện suốt 3 tháng cao điểm dịch ở TP.HCM, từ cuối tháng 7 đến tháng 10/2021, Lê Tấn Sang hiểu rõ cảm giác đau đớn ấy. "Những ngày đầu tôi tham gia đội cấp cứu, cứ 10 chuyến xe chở bệnh nhân thì hết 9 người không qua khỏi", Sang kể lại.
Trò chuyện cùng tôi trong quán cafe nhỏ nấp sau tòa chung cư ở Quận 4 (TP.HCM), cậu sinh viên y khoa năm 4 thừa nhận phải mất tới gần 1 năm để trấn tĩnh và không còn đau đớn khi nhắc lại những câu chuyện buồn. Nhưng khi nhớ lại những người đã khuất trên chuyến xe tình nguyện mà cậu cùng đồng nghiệp cần mẫn lèo lái suốt 3 tháng trời, Sang không tránh khỏi cảm giác rùng mình.
Cảm giác bất lực nhìn người bệnh chuyển biến xấu, rồi chết lâm sàng ngay trước mặt mình mang tới nỗi ám ảnh mà có lẽ suốt cuộc đời này, Sang không bao giờ quên. Cảm giác ấy, đôi khi đáng sợ không kém cái chết.
Lê Tấn Sang đã quen với những bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian tình nguyện chống dịch. (Ảnh: NVCC)
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM hồi tháng 6/2021, Lê Tấn Sang tham gia tình nguyện chống dịch. Trước ngày lên đường, hành trang của Sang là kiến thức y khoa đang bồi đắp từng ngày cùng lòng can đảm.
Ban đầu, Sang gia nhập đội hỗ trợ thăm khám, xét nghiệm cho F0 tại nhà, rồi tham gia trực tổng đài, hỗ trợ đưa đón bệnh nhân ở Trung tâm Cấp cứu 115. Thời điểm dịch leo thang, điện thoại ở Trung tâm 115 luôn rơi vào tình trạng cháy máy. Số người cần cấp cứu quá đông, mở tới 40 đường line để nhận cuộc gọi nhưng luôn quá tải.
Để rồi, một trong những chuyến cấp cứu bệnh nhân mùa dịch đã thay đổi suy nghĩ của Sang mãi mãi.
"Tôi nhận được cuộc gọi đến Trung tâm 115 của bệnh nhân F0, nói cần nhập viện gấp để được thở máy. Cả đội tức tốc lên đường, nhưng đến nơi gọi cửa thì chờ mãi không ai ra mở", Sang nhớ lại.
Linh tính có chuyện không lành, Sang phá cửa xông vào, thì thấy bệnh nhân đã chết trong nhà vệ sinh. "Thông thường, F0 trở nặng sẽ tím tái ở chân tay, nhưng bệnh nhân này tím tái toàn thân và qua đời ngay tại nhà, trước khi chúng tôi có thể đưa ông lên xe đến bệnh viện".
Sang đứng nhìn bệnh nhân vừa qua đời, hai tay buông thõng. Cảm giác bất lực chạy dọc toàn thân như luồng điện. Sang hiểu rằng, nhiều các ca cấp cứu bệnh nhân cậu tham gia trước đó không hiệu quả, bởi xe cứu thương đến quá muộn. Tổng đài 115 bị quá tải, dẫn đến nhiều bệnh nhân không thể liên lạc với trung tâm cấp cứu, rồi đến khi gọi được thì bệnh đã trở nặng.
Tháng 8/2021, khi Sở Y tế TP HCM cùng Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai kế hoạch hỗ trợ tình nguyện cấp cứu F0 đến bệnh viện bằng xe cứu thương, taxi, Lê Tấn Sang lập tức tham gia. "Chẳng mong muốn gì hơn là được cấp cứu cho bệnh nhân càng sớm càng tốt. Với người bệnh, nhanh 1 giây thôi cũng là quý giá lắm rồi", Sang chia sẻ.
Nhờ những chuyến xe thiện nguyện, Sang cùng đồng đội đưa được nhiều bệnh nhân đến bệnh viện hơn. Nhưng nỗi đau cứ ập đến như sóng vỗ bờ, hết cơn này đến cơn khác dồn dập như thử thách sức chịu đựng của chàng y sĩ tương lai.
Các y bác sĩ cùng đội ngũ tình nguyện viên của chiến dịch "cấp cứu tình nguyện". (Ảnh: NVCC)
Sang không bao giờ quên lần đưa một ca F0 đến bệnh viện. 10h tối, xe của Sang có mặt tại nhà một bệnh nhân nữ. Cô mắc COVID-19, nhưng vẫn ở trạng thái tỉnh táo, có thể tự đi bộ quãng đường 50m từ nhà đến xe cấp cứu. Lên trên xe, Sang để bệnh nhân dùng bình dưỡng khí, còn cậu gọi điện thoại cho các bệnh viện để đưa bệnh nhân đến nơi thăm khám.
Nhưng cuộc gọi đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba, đáp lại ở đầu dây bên kia là sự im lặng đến thắt gan, hay lời từ chối vì bệnh viện quá tải. Lòng Sang nóng như lửa đốt. Bên cạnh cậu, bệnh nhân đang ở tình trạng ổn định, bỗng nhiên chuyển biến xấu, chỉ số SpO2 tụt dần theo từng phút.
"Cô ơi, cố gắng lên cô nhé. Con đang liên hệ với bệnh viện rồi", Sang trấn an. Cậu đặt tay lên lồng ngực, cảm nhận được tim mình vỡ vụn. Bên cạnh Sang, bệnh nhân yếu dần. Cậu để F0 thở hết 2 bình oxy, liên tục theo dõi nhịp tim, sơ cứu cho bệnh nhân trong lúc chờ có bệnh viện tiếp nhận.
4, 5 tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn không nơi nào nào hồi đáp. Hơi thở của bệnh nhân yếu dần.
5h sáng, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng rất xấu.10h sáng, người nhà gọi Sang, báo bệnh nhân đã qua đời. Không một lời trách móc từ người nhà, nhưng Sang tự dằn vặt bản thân.
"Điều tồi tệ nhất là tôi biết sự sống đang tắt dần, nhưng không thể nào làm khác", Sang nhớ lại khoảnh khắc nước chảy ròng ròng trên mặt, nhưng không còn phân biệt được là mồ hôi hay nước mắt.
Cậu bất lực chứng kiến một cuộc đời từ từ rời bỏ thế gian, mà đôi bàn tay nhỏ bé của một sinh viên y khoa cùng trang thiết bị thiếu thốn ngày ấy không thể nào giữ lại được.
Quyết không từ bỏ
Gần 3 tháng đồng hành cùng những chuyến xe cấp cứu F0 là gần 3 tháng Sang cùng bệnh nhân đi trên lằn ranh giữa sống và chết. Nhiệm vụ của chàng sinh viên y khoa 22 tuổi là hỗ trợ sơ cứu, duy trì sự sống cho bệnh nhân và tìm kiếm bệnh viện gần nhất để đưa người mắc COVID-19 tới bệnh viện.
Vai trò của Sang quan trọng không kém bác sĩ điều trị trực tiếp. Càng hiểu sứ mệnh của mình, Sang càng áp lực, nhất là ở thời điểm dịch bệnh leo thang, chuyến xe của cậu trở thành chuyến đi cuối cùng của không ít mảnh đời bất hạnh.
Sang kể, có lần cậu cùng đồng đội đến đưa một F0 đến viện. Bệnh nhân rất nặng, không thể di chuyển, trong khi chỗ nhà tập thể chỉ có một cầu thang hẹp. 2 người phải thay nhau nâng vai, nâng lưng bệnh nhân đi hết 3 tầng nhà, rồi khi xuống mặt đất, Sang đặt bệnh nhân lên ghế có bánh xe. Mồ hôi vã ra như tắm, mờ nhòe mắt kính, nhưng Sang vẫn kiên trì sơ cứu, rồi đọc chỉ số SpO2 cho bệnh nhân để chẩn đoán.
Chỉ số của F0 tụt xuống 65%, người Sang mềm lại. Thêm một F0 nữa chuẩn bị lìa xa cõi đời. 30 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng.
"Kiến thức y khoa học trên trường, tôi nắm rất chắc, nhưng khi tiếp xúc bệnh nhân, cùng họ giành giật lại sự sống trước căn bệnh quái ác kia, tôi mới hiểu thực tế khốc liệt thế nào. Những ngày đầu, tôi xúc động, có lúc không làm chủ được cảm xúc, rồi day dứt ám ảnh. Sau rồi, cảm giác ấy chai sạn dần đi. Đau quá rồi, có lúc chẳng còn thấy đau nữa", Sang nhớ lại.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của đội tình nguyện viên. (Ảnh: NVCC)
Trong thước phim ký ức của Sang, hình ảnh đứa trẻ mồ côi với ánh mắt thơ dại đã mất mẹ, nay phải nhìn bố gục ngã vì COVID-19, hay khoảnh khắc gia đình bệnh nhân quỳ sụp xuống chân cảm ơn khi thấy đội tình nguyện cấp cứu xuất hiện cứ hiện ra đầy ám ảnh.
Nỗi đau cứ thế kéo dài, dù vậy, Sang không bỏ cuộc. Gia đình ngăn cản, nhưng cậu không quan tâm, mà tiếp tục cuộc hành trình bởi "nếu ai cũng vì bản thân mà không làm, thì lấy ai giúp đỡ người bệnh trong đại dịch"
Chuyến xe tình nguyện của Sang không chỉ toàn đau thương. Nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi, cậu đã nhiều lần giúp F0 thoát chết ngoạn mục.
Sang kể lại, có trường hợp F0 vì lo lắng quá mà uống liền 10 viên kháng sinh dẫn đến suy gan. Nhận cuộc gọi, cậu đến nhà bệnh nhân, sơ cứu rồi đưa vào viện. Sang đến viện, dùng kiến thức y khoa để tình nguyện làm thay công việc của điều dưỡng, giúp họ có thời gian chăm sóc cho ca F0 này. Nhờ được cấp cứu kịp thời, F0 bình phục rồi về nhà chỉ sau 1 tuần. "Nghe người nhà báo tin rồi cảm ơn rối rít, tôi muốn rơi nước mắt. Mừng lắm, cảm giác như mình được sinh ra lần nữa", Sang nhớ lại.
Hay một lần khác, Sang hỗ trợ bác sĩ bóp bóng oxy cho bệnh nhân. Bóp liên tục trong 3 tiếng, đôi tay phỏng rộp, mồ hôi túa ra nệm giường, nhưng Sang vẫn làm, làm đến khi dấu hiệu sự sống trở lại với bệnh nhân.
"Niềm vui của bệnh nhân là món quà vô giá, giúp tôi có thêm sức mạnh", Sang nói, đôi mắt cậu sáng lên hy vọng.
Lê Tấn Sang nhận được giấy khen với những đóng góp trong cuộc chiến chống dịch. (Ảnh: NVCC)
"Một thầy giáo từng nói với tôi, rằng bác sĩ nào cũng có những linh hồn đi theo. Nếu bác sĩ nào không có linh hồn đi cùng, chỉ có thể là bác sĩ mới ra trường. Cuộc chiến nào với bệnh tật cũng có đau thương và mất mát. Hãy làm hết sức để không thẹn với lòng. Đừng để nỗi đau của người đã ra đi khiến mình bị ảnh hưởng, mà hãy tập trung toàn tâm để cứu chữa cho những người kế tiếp", Sang chia sẻ.
Sau những ngày đồng hành cùng F0 trên chuyến xe tình nguyện, Sang thừa nhận: cảm giác đau đớn hóa ra vẫn còn. Trái tim người y sĩ tương lai hóa ra chẳng hề chai sạn trước đau thương, mà nó vẫn đập liên hồi, xót xa và day dứt khi một sinh linh phải xa lìa trần thế. Nhưng nỗi đau ấy cũng thôi thúc những thầy thuốc tương lai như Sang phải cố gắng hơn.
"Tôi muốn mình giỏi hơn, cứng cáp hơn để cứu chữa cho nhiều người hơn nữa. Ước mơ của tôi là trở thành thầy thuốc. Nhất định tôi sẽ không từ bỏ", Lê Tấn Sang khép lại câu chuyện.