Khủng hoảng Sri Lanka: Ấn định ngày bầu cử, hé lộ thông tin về Tổng thống, Liên hợp quốc có lời
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:07, 12/07/2022
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. (Nguồn: EPA, EFE) |
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena đã công bố thông tin trên vào ngày 11/7, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, kéo theo làn sóng biểu tình phản đối cách thức ứng phó của chính phủ.
Cụ thể, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa có kế hoạch từ chức vào ngày 13/7 và tới ngày 19/7, Quốc hội sẽ công bố danh sách ứng cử viên tổng thông để bầu chọn.
Về hành tung của Tổng thống Rajapaksa, theo một quan chức quốc phòng hàng đầu Sri Lanka tiết lộ với AFP, ngày 11/7, vị lãnh đạo 73 tuổi này đã được đưa đến căn cứ không quân Katunayake, nơi có chung hàng rào với sân bay quốc tế Bandaranaike, làm gia tăng đồn đoán việc ông sẽ ra nước ngoài sống lưu vong.
Quan chức này nêu rõ: "Ông Rajapaksa cùng đoàn tùy tùng đã được đưa trở lại thủ đô Colombo trên 2 chiếc trực thăng Bell 412". Trước đó, ông trú ẩn tại một cơ sở hải quân.
Cho tới nay, không có thông tin chính thức nào từ Văn phòng Tổng thống về tung tích của ông Rajapaksa, song một số phương tiện truyền thông địa phương cho rằng, ông rời đi Dubai trong ngày 11/7.
Trước đó, hôm 9/7, ông Rajapaksa đã rời Dinh Tổng thống ở thủ đô Colombo dưới sự bảo vệ của hải quân, ngay trước khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào khu dinh thự này.
Vài giờ sau, Chủ tịch Quốc hội thông báo ông Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7 để mở đường một cuộc "chuyển giao quyền lực hòa bình".
Cũng trong ngày 11/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ở Sri Lanka đối thoại nhằm “đảm bảo tiến trình chuyển giao chính quyền suôn sẻ và tìm ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng" tại quốc gia này.
Trong một tuyên bố được đưa ra thay mặt Tổng thư ký Guterres, Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết: “Tổng thư ký tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Sri Lanka. Ông ấy luôn đoàn kết với nhân dân Sri Lanka".
Bên cạnh đó, "Tổng thư ký lên án mọi hành động bạo lực và kêu gọi các bên liên quan phải chịu trách nhiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng tối cao của việc duy trì hòa bình... LHQ sẵn sàng hỗ trợ Sri Lanka và người dân nước này”.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ, không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình đổ về thủ đô Colombo, phá hàng rào bảo vệ, xông vào Phủ Tổng thống và dinh thự của Thủ tướng nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống, khiến cả Thủ tướng và Tổng thống đều phải công bố kế hoạch sẽ từ chức.