Người Việt mua sắm xuyên biên giới đứng thứ 2 Đông Nam Á
Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:17, 12/07/2022
Hình thức mua sắm xuyên biên giới đang nở rộ tại khu vực Đông Nam Á lẫn Việt Nam, mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp nội địa lẫn khả năng tiếp cận nguồn hàng hoá dồi dào cho người mua hàng.
Theo báo cáo về kinh doanh xuyên biên giới do hãng vận chuyển Ninja Van vừa công bố, có 59% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.
Tỷ lệ này đứng thứ hai trong số 6 quốc gia tham gia khảo sát gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Thái Lan. Tỷ lệ cao nhất thuộc về Malaysia, với 60% người được hỏi cho biết thường xuyên mua hàng ngoài lãnh thổ.
Ngoài ra, đa số đáp viên khu vực Đông Nam Á khác đều quen thuộc với việc mua hàng xuyên biên giới trong khu vực Châu Á hoặc trên toàn thế giới.
Mua sắm xuyên biên giới trở thành xu hướng tại Việt Nam và toàn khu vực. (Ảnh: Ninja Van) |
Theo số liệu của Statista, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo doanh thu thương mại điện tử năm 2025 tại khu vực này đạt 234 tỷ USD.
Tiềm năng của kinh doanh xuyên biên giới thể hiện rõ nét tại các công ty vận chuyển như Ninja Van. Cụ thể, trong 12 tháng qua, công ty đạt số lượng 2 triệu đơn hàng được giao mỗi ngày trong khu vực ASEAN với mật độ phủ sóng 100% các nước.
Trong hai năm 2019 và 2020, khối lượng bưu kiện quốc tế của công ty tăng trưởng hai con số. Tập đoàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2021 mặc dù nhiều quốc gia tạm đóng cửa biên giới để hạn chế dịch bệnh.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, hãng vận chuyển cho rằng vẫn còn những thách thức đến từ cổng thanh toán, logistics, quy định và luật pháp, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh Việt Nam vẫn chưa tham gia hoạt động này.
Do đó, những doanh nghiệp vận tải hàng đầu đang nỗ lực chuẩn bị cho hoạt động mua bán xuyên biên giới đã và đang diễn ra trong khu vực. Ngoài việc hỗ trợ cần thiết về công nghệ cho dịch vụ logistics sẵn có, những doanh nghiệp logistics phải mở thêm các dịch vụ giá trị gia tăng quản lý chuỗi cung ứng để hoàn thiện hệ sinh thái vận chuyển, gồm: dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hoàn tất đơn hàng, điểm tập hơp hàng hóa…
Song song với sự tăng trưởng mạnh của mua bán xuyên biên giới như nói trên, thị trường thương mại điện tử nội địa tại các quốc gia cũng ghi nhận rất nhiều con số lạc quan.
Trong báo cáo của Ninja Van, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Nghiên cứu cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
Theo số liệu của Statista, Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025. Việt Nam hiện đang có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).
“Chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng nhờ sự tăng trưởng bền vững và rõ nét trong những năm gần đây” - ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Ninja Van Việt Nam nhận định.
Để thấy quy mô của thương mại điện tử trong nước, có thể nhìn con số 300.000 đơn hàng mỗi ngày mà Ninja Van vận chuyển từ các cửa hàng kinh doanh online, doanh nghiệp lớn và nhỏ tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc.
Để đáp ứng lượng đơn hàng như vậy, hãng vận chuyển phải làm việc với hệ thống hơn 200 đại lý kinh doanh có nhiệm vụ tập hợp hàng, tra soát và hỗ trợ người bán hàng thương mại điện tử nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và thời gian giao nhận.
Hải Đăng