Thủ đoạn xóa dấu vết của Phan Quốc Việt trong vụ Việt Á
Pháp luật - Ngày đăng : 14:01, 11/07/2022
Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra giá kit test, vật tư, thiết bị y tế, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo xóa toàn bộ dữ liệu điện tử liên quan.
Hơn 60 đối tượng bị khởi tố trong vụ Vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã cho thấy sức công phá của “quả bom” Việt Á lớn khủng khiếp đến mức nào.
Đặc biệt, trong các đối tượng bị khởi tố, có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và hàng chục lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh, thành, nhiều giám đốc bệnh viện. Những vi phạm liên quan đến công ty Việt Á, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng làm thất thoát ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
“Nổ quả bom” khủng
Ngày 10/12/2021 là ngày được đánh dấu mở màn cho “chiến dịch Việt Á” bởi sau khi được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an huy động gần 400 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt triển khai khám xét 19 địa điểm, triệu tập trên 30 đối tượng tại Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Cần Thơ…
Qua đấu tranh và có đủ căn cứ, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, đã khởi tố Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế; Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; 3 Giám đốc Trung tâm CDC Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và nhiều cán bộ liên quan.
Phan Quốc Việt.
Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, khối lượng công việc rất lớn, hoạt động đối phó của các đối tượng tinh vi, nhưng CBCS Cục Cảnh sát kinh tế không quản hiểm nguy, vất vả tiến hành rà soát hàng trăm tài khoản liên quan đến các đối tượng để tìm các đối tượng nghi vấn nhận tiền chiết khấu qua tài khoản cá nhân, vì đây là “điểm đột phá” của vụ án.
Tuy nhiên việc rà soát gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng như bế tắc. Cùng với đó, công tác xác minh, trinh sát gần 40 công ty, hộ kinh doanh và 100 đối tượng liên quan ở nhiều tỉnh, thành cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Long An, Hải Dương… gặp nhiều khó khăn do địa bàn, đối tượng rộng; nhiều đối tượng nằm trong vùng cách ly, phong tỏa, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh phía nam (nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp). Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, hàng quán, nhà nghỉ nhiều nơi đóng cửa…, nhưng các trinh sát, điều tra viên vẫn nỗ lực thu thập thông tin, xác minh trong nhiều tháng liên tục và phát hiện các sai phạm.
Chính vì vậy, lực lượng chức năng đã xác định “điểm đột phá” trong Chuyên án là hành vi chuyển “chiết khấu” hơn 30 tỷ đồng cho Giám đốc Trung tâm CDC trong 5 gói thầu mua kit test Covid-19 trị giá hơn 150 tỷ đồng tại Trung tâm CDC Hải Dương và báo cáo lãnh đạo Bộ cho phá án.
Đặc biệt, trong vụ án này, ngoài việc khó khăn trong quá trình điều tra do các đối tượng chuyển tiền lòng vòng qua người nhà, qua hiệu vàng để che giấu, Cơ quan điều tra còn chịu áp lực từ nhiều phía. Các bị can là người có chức vụ quyền hạn, là nhà khoa học có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và có quan hệ rộng rãi, luôn tìm cách tác động bằng các mối quan hệ, nhưng với bản lĩnh, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, cơ quan điều tra đã từng bước đưa ra ánh sáng hành vi phạm tội của các đối tượng.