Chăm vườn lan đột biến mất giá 200 lần để…ngắm chơi
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:38, 11/07/2022
Trò chuyện với chúng tôi, những nạn nhân của cây đột biến thừa nhận, nỗi đau mà họ trải qua dai dẳng không biết đến bao giờ. Không chỉ thiệt hại về tiền bạc, nhiều người còn tan cửa nát nhà, ly tán người thân chỉ vì nuôi mộng làm giàu từ một kênh đầu tư ảo, do một nhóm người tự thổi bùng lên để trục lợi.
Mất tiền tỷ, mất cả vợ sắp cưới
Anh Nguyễn Hòa Bình (Phú Thọ) xót xa kể về “trái đắng” vừa nếm trải, sau khi anh phất lên nhờ lan đột biến chưa được bao lâu. “Cái đau đớn nhất trong cuộc đời tôi sau vụ lan đột biến không phải là tay trắng, mà là cô vợ sắp cưới cũng rời bỏ sau hơn 3 năm yêu đương mặn nồng”, anh Bình chua chát nói.
Mê mải đeo đuổi mộng làm giàu từ lan đột biến, năm 2020, anh Bình ăn lãi "một gấp đôi" nhờ vào một kie (mầm mọc ra từ mắt ngủ trên thân) lan đột biến Lúa non HO, giữa thời điểm loại cây đột biến này đang sốt xình xịch. Nhưng thói đời, “ăn một lại muốn ăn hai”, anh Bình đầu tư tiếp hơn 500 triệu đồng mà không thể ngờ chỉ sau đó ít lâu, vườn lan đột biến của anh không thể bán được bất kỳ cây nào. “Ấy là khi thị trường bão hòa, cơn sốt nguội lạnh. Nói đúng ra là cơ quan chức năng vào cuộc vạch trần bản chất khiến đám “cò” run tay, còn người mua cũng tỉnh táo hơn, không mắc bẫy nữa", anh Bình nói.
Bên cạnh vườn lan 500 triệu đồng, anh Bình còn mất hơn 4 tỷ đồng vì sập bẫy gian thương. "Khi cơn sốt lan đột biến càng ngày càng nóng, ai cũng nói đổi đời nhờ nó, tôi không thể ngồi im được nữa nên quyết định “ôm” khoảng 100 cây lan đột biến, nào là Bạch Tuyết, Hồng Yên Thủy, rồi Hồng Minh Châu, loại nào cũng có rồi rao bán”.
Thời gian đầu, anh Bình nhận hàng chục cuộc điện thoại hỏi mua cây, giá được trả liên tục tăng "nóng". Kinh doanh thuận lợi, anh Bình có lúc thu về hơn nửa tỷ đồng tiền lãi. Nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, anh Bình nhanh chóng nhận "quả đắng". Bắt đầu từ việc khách hàng tố cây Hồng Yên Thủy mua của anh với giá hơn 400 triệu đồng ra hoa không đúng, buộc anh Bình phải đền tiền. Liên tiếp sau đó, cây thì ra nụ sai, cây thì thân lá sai, khách ào ạt đòi trả cây lấy lại tiền. Lúc bấy giờ, anh Bình mới nhận ra mình đã bị lừa.
Tìm mọi cách liên lạc với nhóm bán cây cho mình trước đó nhưng không được, anh Bình buộc phải bỏ toàn bộ vốn liếng, lãi lời ra đền cho khách.
Đây là kinh nghiệm xương máu, không ai làm giàu dễ thế cả. Tôi đã sai lầm khi đổ hết vốn liếng vào một thị trường ảo mà không hiểu rõ bản chất, giá trị thực.
Anh Nguyễn Hòa Bình (Phú Thọ)
Cạn tiền vẫn phải chăm để… ngắm chơi
Qua giới thiệu của anh Nguyễn Hòa Bình, chúng tôi tìm gặp anh Lê Văn Lời (Vĩnh Phúc) vào một buổi chiều giữa tháng 5/2022. Mặc dù có phần miễn cưỡng, nhưng anh Lời vẫn chấp nhận dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan từng có lúc trị giá hàng chục tỷ đồng.
Vốn là một công chức nhà nước, thu nhập ổn định, ban đầu anh Lời chỉ coi lan đột biến như một thú chơi tao nhã. Nhưng khi vùng quê anh người người buôn lan, nhà nhà buôn lan, anh quyết định nghỉ việc để thực hiện giấc mộng làm giàu từ lan. “Quyết định đầu tư vào lan đột biến là tôi chấp nhận đánh đổi, dồn toàn bộ tâm huyết, may mắn của mình vào đây”, anh Lời chia sẻ.
Anh dồn toàn bộ số tiền tích cóp cộng với “cắm” hai miếng đất được khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư chủ yếu vào lan 5 cánh trắng Thảo Nguyên, vì thời điểm đó liên tục có người gọi điện hỏi và hứa hẹn rằng, cho dù giá lên đến 50 - 70 triệu đồng/cm vẫn mua. Được bạn bè tin tưởng, gửi gắm, góp tiền đầu tư chung, anh tìm đến các vườn lan uy tín khắp cả nước mua gần 1.000 chậu lan đột biến. Số tiền đổ vào vườn lan đột biến của anh Lời lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Từ tháng 3/2021, lan đột biến bắt đầu giảm giá mạnh, nhưng anh Lời chẳng mấy lo lắng, bởi với anh, thị trường có lúc lên lúc xuống là điều bình thường. Tuy nhiên, điều anh không ngờ là thảm cảnh lan đột biến mất giá đến cả 200 lần. Một vài cái tên từng làm mưa làm gió trên thị trường, ở top cao nhất như Người đẹp Bình Dương, thời điểm sốt nhất giá lên đến 2 tỷ đồng/cm, nay chỉ còn khoảng hơn 13 triệu đồng/cm; Bảo Duy giá từ 1 tỷ đồng/cm xuống còn hơn 10 triệu đồng/cm. Hay như 5 cánh trắng Bạch Tuyết thời điểm cao giá nhất vào khoảng 200 triệu đồng/cm, giờ cũng chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng/cm. Minh Châu từng lên đến 150 triệu đồng/cm giảm còn khoảng 200 - 300 nghìn đồng/cm… Và lan đột biến Thảo Nguyên, thứ mà anh Lời nâng niu, hy vọng hốt bạc thì giờ giá không nổi 50 - 70 nghìn đồng/cm. Vườn lan đầu tư cả chục tỷ đồng của anh rớt giá thảm hại.
Hàng ngày, dù tiền đã cạn anh Lời vẫn phải miệt mài chăm lan và canh cánh niềm hy vọng thị trường phục hồi. Nhưng, ước mơ đó có thể mãi mãi không trở thành hiện thực, vì bản chất của lan đột biến không phải là kênh đầu tư để làm giàu như anh Lời nhầm tưởng.