Mùa hè du lịch hỗn loạn ở Mỹ và châu Âu
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:13, 11/07/2022
Tình trạng hỗn loạn tại các sân bay
Hỗn loạn có lẽ là những gì đúng nhất để mô tả khung cảnh tại các sân bay lớn từ châu Âu cho tới Mỹ trong những ngày này, khi các du khách phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, hoặc thậm chí bỏ lỡ chuyến bay của mình.
Giá nhiên liệu gia tăng, các cuộc đình công và tình trạng thiếu hụt nhân viên trầm trọng đã dẫn đến việc hủy bỏ hoặc trì hoãn hàng ngàn chuyến bay, trong bối cảnh nhiều người đổ xô tới các sân bay để thực hiện chuyến du lịch mơ ước – điều mà họ đã phải bỏ lỡ trong suốt hai năm đại dịch Covid-19.
Theo DW, tình trạng tắc nghẽn tại các trung tâm vận tải hàng không hàng đầu châu Âu, từ Frankfurt, Paris cho tới London đã khiến các hãng hàng không phải hủy hàng ngàn chuyến bay trong những tuần gần đây.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, nơi nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã tăng gần bằng mức trước đại dịch và các chuyến bay cũng đã dần chật kín như hồi năm 2019. Nhu cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung hạn chế, trong khi giá nhiên liệu tăng gần gấp đôi khiến giá vé máy bay cũng tăng đáng kể. Theo ứng dụng đặt vé du lịch Hopper, giá vé máy bay khứ hồi tại Mỹ trong kỳ nghỉ lễ ngày 4-7 dao động ở mức trung bình 437 đô la, tăng 45% so với năm 2019.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong những tuần gần đây, số chuyến bay bị hoãn và hủy tại Mỹ đã bắt đầu tăng cao hơn mức trước đại dịch. Theo dữ liệu từ Cirium, khoảng 2,9% số chuyến bay nội địa của Mỹ đã bị hủy tính đến ngày 23-6, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương khoảng 2.100 chuyến bay.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg đã thúc giục các giám đốc điều hành hãng hàng không xem xét kỹ lưỡng lịch trình mùa hè để đảm bảo tính khả thi. Ông Buttigieg cho biết bản thân cũng từng bị hủy chuyến bay trong những tháng qua.
Ngành hàng không “lực bất tòng tâm”
Theo DW, trong suốt thời kỳ dịch bệnh, các hãng hàng không, sân bay và những doanh nghiệp khác trong ngành đã buộc phải mạnh tay cắt giảm lực lượng lao động. Giờ đây, sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu đi lại đã khiến ngành công nghiệp hàng không chưa kịp thích nghi và phải chật vật trong việc tìm kiếm đủ số nhân viên cần thiết, nhằm phục vụ những hàng dài du khách tại các sân bay.
“Quá nhiều nhân viên và nguồn lực vẫn chưa sẵn sàng, không chỉ với các đối tác cơ sở hạ tầng của chúng tôi mà còn ở một số khu vực của riêng chúng tôi. Gần như mọi công ty trong ngành của chúng tôi đang tuyển dụng nhân sự mới, dự kiến vài ngàn người chỉ riêng ở châu Âu”, đại diện hãng hàng không Lufthansa cho biết.
Hôm thứ Ba tuần trước, Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr đã phải xin lỗi các nhân viên và khách hàng của mình bởi tình trạng hỗn loạn đã buộc hãng phải hủy gần 3.000 chuyến bay trong vài tuần qua. Ông cho biết “chúng tôi chắc chắn đã phạm sai lầm khi cố gắng cứu công ty và hơn 100.000 việc làm trong vòng hơn hai năm qua. Có lẽ chúng tôi đã đi quá xa trong nỗ lực cắt giảm chi phí, do áp lực từ khoản thua lỗ hơn 10 tỉ euro do đại dịch”.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn với các hãng hàng không như Lufthansa, bởi sau đại dịch người lao động có xu hướng chọn lựa việc làm kỹ lưỡng hơn, tránh xa các vị trí có điều kiện làm việc tồi tệ và mức lương thấp. Theo hiệp hội sân bay ADV của Đức, khoảng 20% số vị trí việc làm trong lĩnh vực an ninh, làm thủ tục và xử lý máy bay hiện vẫn bị bỏ trống.
Hiện nay chính phủ các nước đang ra sức tìm cách để “cứu” các sân bay. Đức cho biết sẽ hỗ trợ ngành hàng không đưa nhân viên nước ngoài, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, đến Đức để lấp đầy khoảng trống nhân sự. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang lên kế hoạch bổ sung hàng trăm nhân viên tại các sân bay lớn, trong khi ở Ireland, Bộ Giao thông vận tải đang đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng hỗ trợ để giúp giảm bớt các vấn đề về nhân lực tại sân bay Dublin.
Cuộc khủng hoảng nhân sự tại các nhà hàng, khách sạn
Thậm chí ngay cả khi đã rời khỏi sân bay, chưa có gì đảm bảo là các du khách sẽ có một kỳ nghỉ như ý bởi cuộc khủng hoảng nhân sự hiện đã lan sang các nhà hàng, khách sạn. Các giám đốc điều hành cho biết, hàng ngàn lao động đã rời bỏ ngành khách sạn nhà hàng, sau khi đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch đình trệ. Nhiều người đã tìm được những công việc khác với mức lương cao hơn, và không còn muốn quay trở lại với việc làm cũ.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Khách sạn và Lưu trú Mỹ (AHLA), có tới 97% số khách sạn được hỏi cho biết đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên, trong đó 49% rơi vào tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều nhà hàng cũng cảnh báo sẽ khó có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng trong mùa du lịch năm nay do không có đủ người làm. Ông Philip Barnett, Chủ tịch Island Restaurant Group đã ví những thách thức về nhân sự trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn như “một siêu bão”, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động của mình.
Còn tại châu Âu, các chuỗi khách sạn hàng đầu đang phải chấp nhận tuyển dụng những lao động không có kinh nghiệm, hoặc thậm chí không có cả sơ yếu lý lịch.
Tình trạng thiếu hụt nhân viên đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nơi mà ngành du lịch lần lượt chiếm 13% và 15% sản lượng kinh tế trước đại dịch.
Giám đốc điều hành Hotel Mundial – một trong những khách sạn mang tính biểu tượng tại Lisbon (Bồ Đào Nha) cho biết, đang cố gắng tuyển dụng 59 nhân viên mới. Ông cho biết “nếu không tuyển đủ nhân sự, chúng tôi sẽ phải cắt giảm dịch vụ. Đây thực sự là một điều đáng tiếc đối với ngành du lịch, vốn đã không có doanh thu trong suốt hai năm qua”.