Cảnh báo nguy cơ trầm cảm sau sinh
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:25, 11/07/2022
TS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lí lâm sàng (Viện Sức khoẻ tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh nhưng nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia sức khỏe cho rằng bệnh có thể khởi phát ở bất kì thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh.
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần khám cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh |
Gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Theo các bác sĩ, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác. Bệnh trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, thường xuyên nghĩ về cái chết. Bệnh nhân còn có thể gây nguy hiểm cho người khác bởi những suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng tự tử của mình.
Mới đây nhất các bác sĩ ở Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhân M.B., 21 tuổi (ở Quảng Bình) bỗng dưng có biểu hiện mệt mỏi, thường xuyên khóc lóc. Đỉnh điểm, bệnh nhân tự dùng dao rạch bụng để tự sát. Người nhà cho biết trước đó B. vốn là cô gái vui vẻ, hòa đồng với mọi người nhưng sau sinh con tính tình thay đổi hẳn. Sinh con được 13 ngày, M.B. bắt đầu có biểu hiện đêm ngủ kém, hay thức giấc giữa đêm, sáng dậy sớm. Cô luôn cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước. M.B. thường hay ngồi một mình, vẻ mặt buồn rầu và khóc lóc. Không chỉ ăn uống kém ngon miệng, người mẹ trẻ hay suy nghĩ tiêu cực, bi quan cuộc sống. Ngay cả với con mới sinh, cô cũng không quan tâm, thậm chí có cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc.
Gia đình dù đã nhận thấy sự thay đổi nhất định của người mẹ trẻ song không ngờ tới vụ việc đỉnh điểm, khi cô tự ý dùng dao rạch bụng để tự sát. Sau khi phát hiện, gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện Cu Ba - Quảng Bình xử trí khâu vết thương sau đó chuyển đi điều trị chuyên khoa tâm thần. Tại đây, bệnh nhân không hợp tác trong việc uống thuốc và thường xuyên la hét, cáu gắt với mọi người. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển tới điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe tâm thần cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khí sắc trầm buồn, tuy nhiên không thấy ảo tưởng, ảo giác. Sau 22 ngày điều trị, người bệnh đã hợp tác điều trị, khí sắc cải thiện hơn và chủ động nói chuyện, giao tiếp…
Theo các bác sĩ, một số yếu tố nguy cơ với trầm cảm sau sinh như: Mang thai trong độ tuổi dưới 18; Người mẹ trải qua những sự kiện căng thẳng trong tiền sử như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp… “Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng hay những mâu thuẫn trong gia đình như với chồng, mẹ chồng cũng là những yếu tố nguy cơ gây trầm cảm sau sinh”, bác sĩ Cầm nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thống kê trong năm 2021, đơn vị này đã tiếp nhận 27 trường hợp nhập viện. Đây hầu hết là các ca bệnh nặng, nhiều trường hợp đã có ý tưởng tự sát nhưng không thành. Hiện nay số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám khoảng 20-30% tổng số ca mỗi ngày.