Hóa thạch 500 triệu năm tuổi lưu giữ bộ não của kẻ săn mồi 3 mắt đáng sợ
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:40, 10/07/2022
Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario (ROM) ở Toronto, Canada mới tiết lộ thông tin về hoá thạch của loài động vật ăn thịt kỳ lạ thuộc họ chân đốt chưa từng biết trước đây.
Hóa thạch 500 triệu năm tuổi lưu giữ bộ não của kẻ săn mồi 3 mắt đáng sợ |
Hoá thạch quý hiếm được tìm thấy ở Burgess Shale, một hệ thống ở dãy núi đá Canada, nổi tiếng với sự phong phú về những di tích động vật hoá thạch.
Phân tích hoá thạch cho thấy sinh vật kỳ lạ trong tình trạng tốt, còn nguyên bộ não, hệ thần kinh và con mắt thứ ba. Não của sinh vật lạ bao gồm hai phân đoạn, thay vì ba phân đoạn như côn trùng ngày nay, điều này làm sáng tỏ sự tiến hóa của não, thị giác và cấu trúc đầu của động vật chân đốt.
Joseph Moysiuk, tác giả chính của một nghiên cứu cho biết sinh vật lạ có chiều dài khoảng 20 cm nhưng có khả năng là đối tượng nguy hiểm với bất kỳ con mồi nào nhỏ hơn nó sinh sống trong đại dương.
Sinh vật từng sống trong đại dương thực sự rất hung dữ với những móng vuốt gai nhọn, cái miệng tròn khiến nó trong rất dữ tợn. Cơ thể có những chiếc gai dài giống như cái cào để quét đáy biển săn tìm bất kỳ sinh vật nào bị chôn vùi.
Lớp gai bên hông giống như chiếc cánh giúp nó lướt qua mặt nước, một khi con mồi đến gần sẽ bị nghiền nát.
Điều thú vị ở loài sinh vật này là con mắt thứ ba. Các chuyên gia không chắc chắn về mục đích sử dụng con mắt này. Họ dự đoán sinh vật lạ dùng con mắt thứ ba để theo dõi con mồi.
Joseph Moysiuk cho biết: "Việc tìm thấy con mắt thứ ba là một cú sốc lớn đối với chúng tôi. Một số động vật chân đốt hiện đại như chuồn chuồn, ong bắp cày cũng có mắt trung gian, chúng thường nhạy cảm hơn hai mắt còn lại và không tập trung. Tôi đoán mắt thứ 3 của sinh vật lạ giúp chúng theo dõi con mồi, định hướng con mồi ở đâu để tiến hành tấn công cho chính xác".
Các hóa thạch mới khai quật trong quá trình đào hiện đang trưng bày tại Bảo tàng hoàng gia Ontario, Canada.
Hoàng Dung (lược dịch)