Năm dấu hiệu bất thường ở 'cậu nhỏ' cần đi khám ngay

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:00, 09/07/2022

Thấy 'cậu nhỏ' chảy mủ, ngứa, bầm tím, nam giới cần đi khám Nam khoa ngay.

Bất thường da bao quy đầu dương vật

Mới đây, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân 72 tuổi đến khám vì khối sùi đầu dương vật, chẩn đoán ung thư, phải cắt đoạn “cậu nhỏ”.

Bệnh nhân biết bị hẹp bao quy đầu từ lâu nhưng ngại không đi khám. Chỉ khi thấy khối cứng bất thường ở đầu “của quý”, đi tiểu khó, ông mới tìm đến phòng khám tư. Sau mổ, “cậu nhỏ” rỉ máu, có nhiều điểm hoại tử.

adrl.png

PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, cho biết hẹp bao quy đầu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư dương vật - bệnh lý khá thường gặp trong Nam học.

Bệnh về bao quy đầu chia làm 2 dạng: hẹp bao quy đầu (da quy đầu trùm kín phần đầu “cậu nhỏ” và không lộn xuống được hoặc lộn khó khăn, lộn bị chặt, có vòng thắt) và dài da bao quy đầu (da bao quy đầu dài trùm quy đầu, có thể dùng tay lộn được).

Người bệnh rất dễ bị viêm nhiễm vùng quy đầu, viêm niệu đạo, khó khăn trong quan hệ, nghẹt da quy đầu, nguy hiểm hơn là có nguy cơ bị ung thư dương vật cao hơn người bình thường.

Bác sĩ khuyên, ngay khi con trai còn nhỏ, bố mẹ nên lộn phần quy đầu dương vật vệ sinh hằng ngày cho trẻ. Khi phát hiện hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu gây khó vệ sinh hay viêm nhiễm…, hãy đến gặp bác sĩ Nam khoa ở cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị.

Đau tinh hoàn dữ dội


Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Kiên, Trung tâm Nam học, nhiều nguyên nhân dẫn đến đau tinh hoàn như viêm hay chấn thương. Tuy nhiên, nếu đau dữ dội, bệnh nhân đừng quên nghĩ đến xoắn tinh hoàn.

Khi bị xoắn tinh hoàn, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng bìu, thường là đau đột ngột, có thể đau dữ dội ở bên bìu có chứa tinh hoàn bị xoắn. Cơn đau có thể lúc tăng lúc giảm nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn.

Các triệu chứng khác của xoắn “hạt cà” như: Sờ vào tinh hoàn cảm thấy đau chói; Sưng một bên bìu; Buồn nôn và nôn; Đau bụng; Một bên tinh hoàn cao hơn tinh hoàn khác; Sốt, chóng mặt; Có lẫn máu trong tinh dịch.

Bệnh thường gặp nhất ở 10 - 25 tuổi. Đây là một cấp cứu nam khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm để bảo tồn tinh hoàn theo đúng tính chất chạy đua với thời gian.

Nếu được xử lý trước 6 giờ thì tinh hoàn có khả năng phục hồi là 83%, trước 10 giờ tỷ lệ này giảm xuống 70%; sau 10 giờ khả năng giữ lại được tinh hoàn chỉ còn 10%.

Khi xuất hiện đau tinh hoàn, đặc biệt khi có cơn đau tại tinh hoàn đột ngột, hãy tới ngay bệnh viện có chuyên khoa nam học hoặc bệnh viện gần nhất. Hãy nhịn ăn để có thể phẫu thuật cấp cứu khi cần thiết, bác sĩ Kiên khuyên.

Chảy dịch mủ đầu dương vật


Đây là biểu hiện không nên bỏ qua và cần đi khám nam học ngay. Hầu hết biểu hiện này do nhiễm khuẩn gây ra như: lậu, chlamydia, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Bệnh thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung đồ lót với người mắc bệnh. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến viêm tinh hoàn, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn huyết, vô sinh…

Bệnh có thể xuất hiện kèm các triệu chứng như: chảy mủ đầu “cậu nhỏ”; xuất tinh máu; ngứa quanh lỗ miệng sáo, dọc niệu đạo; đau khi dương vật cương cứng.

Bác sĩ Kiên khuyên người bệnh trước khi đi khám nên nhịn tiểu ít nhất 6 giờ để có kết quả xét nghiệm chính xác.

Bầm tím dương vật


Sau quan hệ tình dục hay bị tác động (bẻ, va chạm thể thao, giao thông, sinh hoạt) mà “của quý” tím bầm, rất có thể nam giới đã bị gãy “súng”.

Vỡ vật hang (gãy “súng”) có thể khiến người bệnh mất cương cứng, đau khi cương. Người bị nặng còn có thể không còn khả năng quan hệ tình dục, biến dạng gấp khúc dương vật, hình thành các mảng xơ cứng…

Là một cấp cứu ngoại khoa, khi thấy 4 biểu hiện sau tại “cậu nhỏ”, hãy đến bệnh viện ngay để được xử trí sớm: Bầm tím, sưng nề; đau; bị vẹo lệch, biến dạng; tiểu đau, buốt, rát, tiểu ra máu, xuất tinh ra máu.

Sờ không đủ số lượng tinh hoàn


Chỉ có 1 hoặc không có “hạt cà” nào trong bìu là dấu hiệu bất thường. Ẩn tinh hoàn có thể bị vô sinh, ngay cả khi chỉ bị ẩn tinh hoàn 1 bên. Bên tinh hoàn bị ẩn có nhiều nguy cơ tiềm tàng, thậm chí ung thư.

Sáu tháng sau sinh, nếu sờ tinh hoàn của trẻ mà thấy vẫn chưa xuống bìu, cha mẹ hãy đến nghĩ đến phẫu thuật hạ tinh hoàn cho trẻ, tốt nhất nên điều trị khi trẻ dưới 2 tuổi.

Ở độ tuổi trưởng thành, hạ tinh hoàn không mang nhiều giá trị về mặt chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn, mục đính chính chỉ để giảm nguy cơ ung thư và các biến chứng khác.