Ông Abe ra đi, Abenomics còn mãi
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 11:36, 09/07/2022
Đưa nền kinh tế Nhật thoát trì trệ
Từ sau Thế chiến II, Nhật Bản từng bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, trở thành đầu tàu phát triển của kinh tế Đông Bắc Á. Nhờ đó nước Nhật có tiếng nói vững chắc trong khối G7. Tuy nhiên, động lực phát triển kinh tế của Nhật đã chậm lại vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Dần dần, nền kinh tế hùng mạnh số một châu Á đã bị Trung Quốc bắt kịp và vượt mặt.
Đối với một thủ lĩnh đảng trung hữu bảo thủ LDP như Abe Shinzo, điều đó thật khó chấp nhận. Vậy là ngay khi bước vào nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai vào năm 2012, ông đã đưa ra thuyết kinh tế Abenomics, với trọng tâm khôi phục vị thế cường quốc kinh tế của Nhật, từ đó nâng cao địa vị của xứ Mặt trời mọc trên trường quốc tế.
Thuyết Abenomics đặt ra “ba mũi tên chiến lược”, bao gồm: chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khoá linh hoạt và chiến lược tăng trưởng đi vào chiều sâu. Sự nới lỏng định lượng trong chính sách tiền tệ của chính quyền ông Abe, cũng như sự kết hợp của cả ba “mũi tên” chiến lược đã đạt được nhiều thành quả trong thực tế. Trong giai đoạn 2015 – 2017, nền kinh tế Nhật đã tăng trưởng dương trong 8 quý liên tiếp, là chu kì tăng trưởng dài nhất trong gần 30 năm trở lại đây.
Những điều day dứt
Song, nhiệm kì của vị cố Thủ tướng được người Việt yêu mến không phải không để lại nhiều tiếc nuối. Số liệu thống kê của kinh tế gia Keya Keiichi cho thấy, trong giai đoạn cầm quyền thứ hai của ông Abe, tăng trưởng GDP bình quân của Nhật đạt 0.9%/ năm. Con số này đảm bảo mức tăng thực dương liên tục, nhưng chưa đạt đến kì vọng của chính quyền ông Abe đưa ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát và mức tăng lương của người lao động cũng không đạt được kì vọng như những gì ông Abe và đảng LDP hứa hẹn.
Nhận định về những điều được và mất trong giai đoạn cầm quyền này, chuyên gia kinh tế cao cấp Min Joo Kang của ING cho biết: “Thực tế thì sự phát triển của toàn nền kinh tế Nhật vẫn còn hạn chế. Dù sao, tôi cho rằng đây là một sự thành công “một nửa”, khi Abenomics đã giúp cho kinh tế Nhật tránh khỏi một sự suy thoái sâu hơn.”
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao về Châu Á Thái Bình Dương tại OANDA, cho biết Abenomics đã tạo ra “kết quả hỗn hợp”. Halley nói với hãng thông tấn Al Jazeera: “Việc thiếu ý chí thực hiện mũi tên thứ ba của cải cách kinh tế và thương mại, khi Nhật Bản rơi vào thế cố thủ, có nghĩa là những ‘mũi tên’ khác chỉ thực sự duy trì được sức mạnh trong suốt những năm 2010”.
“Lạm phát (một mục tiêu của Abenomics là đưa kinh tế Nhật từ trạng thái giảm phát thành lạm phát thấp) vẫn không tồn tại, nợ chính phủ cao hơn nhiều, và các rào cản thương mại và quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản vẫn còn đó. Việc thiếu tiến bộ không phải là do Abe đã sai lầm về mặt chiến lược, mà là do ông đã không vượt qua được các lợi ích nội địa cố hữu và sức ì của chính phủ để nắm bắt và thực hiện đầy đủ tất cả các mũi tên”, chuyên gia Halley nói thêm.
Dẫu biết “nhân vô thập toàn”, những gam màu sáng trong suốt những năm cầm quyền của chính phủ Abe Shinzo vẫn khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Nhờ Abenomics, chính quyền Nhật Bản hiện tại có thêm quân cờ để tung ra trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.