Cụ ông 82 tuổi thi tốt nghiệp THPT quyết lấy bằng Trung cấp Đông y
Xã hội - Ngày đăng : 08:06, 09/07/2022
- "Chúc cháu nội của ông ngày mai thi tốt!".
- "Cháu cảm ơn ông. Ông cũng thi tốt nhé ạ!".
Đoạn hội thoại khiến nhiều người nghe bất ngờ khi cụ ông 82 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhận được lời chúc từ cháu trai trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Chiều 6/7, cụ ông Nguyễn Huy Kỳ (sinh năm 1940) có mặt tại điểm thi trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi. Đứng trước bảng thông báo, ông phải mất một lúc lâu mới chỉ được ngón tay chai sần của mình đến chỗ ghi số báo danh và phòng thi.
Trước hàng trăm cái nhìn của thí sinh 2004, cụ ông sinh năm 1940 đáp lại bằng một ánh mắt trìu mến và nụ cười đầy tự tin. Ngày hôm sau, cụ cũng như các sĩ tử khác cùng sánh bước trên hành trình chinh phục tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Huy Kỳ tâm sự, mình từng có thời gian làm công nhân. Thời đó, muốn được xét lao động tiên tiến hàng năm, công nhân phải có bằng cấp. Với tinh thần hiếu học, ban ngày, ông đi làm, tối lại đến trường Hùng Vương (Phú Thọ).
Năm 1968, khi chuẩn bị hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 10/10, chàng thanh niên Kỳ khi ấy lên đường đi bộ đội. Dù được nhà trường đặc cách cho tốt nghiệp sớm, ông đã không nắm được thông tin này. Ngày chàng trai Nguyễn Huy Kỳ xuất ngũ, thầy hiệu trưởng đã nghỉ hưu, trường học phải sơ tán. Không ai chứng nhận, ông lỡ cơ hội tốt nghiệp.
Những năm sau đó, ông làm nhiều nghề để nuôi con ăn học. Dù cuộc sống khó khăn, ông Kỳ bảo vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách báo hàng ngày, học tập để tích luỹ kiến thức.
Ông Kỳ chống gậy đi thi tại Trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội.
Khi cuộc sống của con cháu ổn định, ông Kỳ quyết định lên kế hoạch hoàn thành ước mơ của đời mình. Ông trích lương để theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân.
Hàng ngày, ông dậy từ sáng sớm, cùng vợ chuẩn bị đồ ăn trước khi đi học. Học sinh đặc biệt này luôn cố gắng hoàn thành bài tập ngay sau buổi học. Với những điểm còn lăn tăn hay chưa tìm được lời giải, ông đánh dấu hỏi chấm màu đỏ để hôm sau nhờ bạn bè và thầy cô giải đáp.
“Giờ tuổi đã cao, lại tiếp thu chậm hơn các cháu nên tôi phải cố gắng gấp nhiều lần, nhưng cũng không được thức khuya làm tổn hại sức khỏe. Tôi cũng luôn tự nhủ không bao giờ được bỏ cuộc”, ông Kỳ chia sẻ.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, ông Kỳ mua chiếc điện thoại thông minh để học online. Kết nối được vào lớp học và nghe giảng, đối với cụ ông 82 tuổi, cũng là một thử thách. Có ngày làm bài kiểm tra online, khi “các bạn” đã hoàn thành, cụ ông vẫn cô gắng... đăng nhập.
Năm nay, ông Kỳ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với tư cách thí sinh tự do. Cháu của ông - một học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng thi tốt nghiệp. Dù được các con khuyên bắt taxi, "thí sinh 82 tuổi" vẫn nhất quyết tự đến điểm thi bằng xe máy ba bánh. Xuống xe, ông chống gậy di chuyển vào phòng thi.
Sau 2 ngày thi, ông Kỳ nói hài lòng về bài làm của mình và dự đoán đạt từ điểm trung bình trở lên. Với môn Toán, do hổng kiến thức về đạo hàm, tích phân, hình học không gian, ông không tự tin lắm. Trong khi đó, thí sinh này hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Người đàn ông gốc Hà Nội tâm sự, ở tuổi "xưa nay hiếm", nhiều người chọn nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng với ông, học mới là thú vui. Cụ ông cũng mong muốn hành động của mình có thể truyền động lực đến thế hệ trẻ hôm nay: Học không bao giờ là muộn. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có tinh thần ham học hỏi, góp phần đưa đất nước phát triển.
“Bây giờ tôi già rồi nhưng tri thức là sức mạnh, còn ngày nào sống trên đời thì còn phải học thêm, phải có tri thức”, ông Kỳ chia sẻ.
Hiện tại, ông Kỳ làm nghề thuốc đông y. Mục tiêu cụ ông đặt ra trong kỳ thi lần này không chỉ là đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn có muốn theo học tại trường trung cấp đào tạo y sỹ của Sở Y tế và Hội Đông y Hà Nội.
Thầy Phùng Chí Trường, giáo viên dạy Giáo dục thể chất của Trường THCS Thanh Xuân, chia sẻ ông rất ấn tượng khi cụ Kỳ đến trường thi từ rất sớm.
“Hôm làm thủ tục, tôi gặp ông Kỳ tại phòng thi. Tôi không nghĩ ông là thí sinh, mà tưởng đưa cháu đi thi. Mọi người trong đội tình nguyện bảo đúng là thế hệ trẻ phải học tập tấm gương của cụ. Tôi hỏi sao đến tuổi này còn đi thi thì cụ đáp, xưa ít học nên giờ phải học bù”, thầy Trường kể.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân - nơi ông Kỳ theo học, cho biết: "Sau ngày thi đầu tiên, tôi gọi điện hỏi thăm tình hình của bác Kỳ. Bác bảo làm được bài thi Ngữ văn nhưng không tốt với môn Toán trắc nghiệm. Thế mạnh của bác là các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý chứ không phải môn tự nhiên".