Chân dung ông Abe Shinzo - người giữ chức thủ tướng lâu năm nhất Nhật Bản
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:05, 08/07/2022
Truyền thông Nhật Bản đưa tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, bị tấn công khi đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho thành viên đảng Dân chủ Tự do Kentaro Asah ở thành phố Nara vào ngày 8/7.
Theo đài NHK, ông Abe bị bắn bởi một khẩu súng ngắn và "dường như đang trong tình trạng bị ngừng tim phổi".
Vụ việc đã gây xôn xao dư luận Nhật Bản vì ông Abe vẫn là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tại quốc gia này dù ông không còn giữ chức vụ thủ tướng.
Ông Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống về chính trị. Ông là cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke, con trai của cựu Ngoại trưởng Abe Shintarō. Ông nội của ông Abe, ông Abe Kan, cũng từng phục vụ trong Hạ viện Nhật Bản.
Ông Abe theo học ngành hành chính công và tốt nhiệm với bằng cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Seikei năm 1977. Ông sau đó chuyển đến Mỹ và theo học chính sách công tại Trường Chính sách Công USC Sol Price thuộc Đại học Nam California. Tới năm 1982, ông bắt đầu bước chân vào con đường chính trị khi đảm nhiệm một số vị trí trong đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ông Abe trúng cử vào quốc hội Nhật Bản vào năm 1993. Ông lần đầu tiên trở thành thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 nhưng đột ngột từ chức vào năm 2007 vì lý do sức khỏe khi ông bị mắc chứng viêm đại tràng.
Sau khi từ chức vào năm 2007, ông Abe đã tái cử vào năm 2012. Kể từ đó ông luôn là nhân vật nổi bật trong nền chính trị Nhật Bản và thắng nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 vào năm 2017, thứ 4 vào năm 2019.
Tới năm 2020, ông một lần nữa tuyên bố từ chức cũng vì lý do mắc chứng viêm đại tràng. Ông Abe khi đó cho biết, ông đã kiểm soát được căn bệnh mạn tính này trong 8 năm nhưng vào tháng 6/2020, ông phải thường xuyên kiểm tra y tế do bệnh này, nên ông quyết định không làm thủ tướng nữa và tập trung vào điều trị bệnh.
Cho tới nay, ông Abe vẫn là vị thủ tướng Nhật Bản phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử nước này.
Tầm ảnh hưởng lớn
Trong nhiều năm nắm giữ vị trí lãnh đạo Nhật Bản, ông Abe đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng đối mặt với một số ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là ông là chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường nước này.
Khi ông Abe đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang gặp khó khăn vì nền kinh tế bị trì trệ sau nhiều năm. Ông Abe đã thực hiện một cuộc cải cách lớn mang tên Abenomics. Điểm nhấn của sáng kiến này là gói kích thích tiền tệ quy mô lớn, gia tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu.
Những người ủng hộ và đồng minh của ông Abe nhận định, sách lược mà chính phủ ông Abe vạch ra đã giúp cải thiện nền kinh tế và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính sách này cũng gặp phải ý kiến trái chiều khi những người chỉ trích cho rằng, chính sách của ông Abe dường như giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tránh bị suy giảm nhiều hơn là đạt tăng trưởng đột phá.
Mặt khác, Nhật Bản dưới thời ông Abe cũng đối mặt với vấn nạn dân số bị già hóa, dẫn tới việc người ở độ tuổi lao động ngày càng ít đi, và gánh nặng lên xã hội ngày càng lớn để trả tiền hưu trí và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Mặc dù vậy, với sự điều hành của chính phủ ông Abe, Nhật Bản cũng nới lỏng các quy định giúp nước này có thể gia tăng đội ngũ lao động từ nước ngoài nhằm giúp phát triển nền kinh tế.
Hồi tháng 5, báo The Economist nhận định dù ông Abe đã lùi về hậu trường hơn 2 năm, nhưng tầm ảnh hưởng của ông vẫn còn khá rõ trong một số lĩnh vực.
Theo các chuyên gia, chính sách đối ngoại cơ bản của ông Abe hiện vẫn đang được áp dụng: Củng cố mối quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ trong khi nâng cao năng lực quốc phòng của chính Nhật Bản, đồng thời nâng cấp quan hệ với một số nước thứ 3 để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các đối thủ trong khu vực.
Theo chuyên gia Mỹ Michael Green, ngay cả phe đối lập với đảng LDP của ông Abe cũng không thể tìm ra được con đường nào tốt hơn là chính sách của ông Abe.