TPHCM chốt giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 11:32, 08/07/2022
Sáng 8/7, kỳ họp thứ 6, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên bế mạc sau hơn 2 ngày. Tại buổi làm việc cuối cùng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nghị quyết về quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Phạm vi áp dụng của nghị quyết này là các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước tại TPHCM, trừ các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc Bộ, cơ quan Trung ương, các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng. Quy định giá mới áp dụng cho người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Theo nghị quyết vừa được HĐND TPHCM thông qua, mức giá xét nghiệm bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chưa gồm sinh phẩm xét nghiệm, thấp nhất là 11.200 đồng đối với test nhanh mẫu đơn. Xét nghiệm miễn dịch mẫu đơn được áp dụng mức 30.800 đồng.
Theo quy định, loại xét nghiệm có giá cao nhất là 212.700 đồng đối với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR (xét nghiệm xác định). Trong đó, phí lấy mẫu, bảo quản bệnh là 45.400 đồng và phí thực hiện xét nghiệm, trả kết quả là 167.300 đồng.
Ngoài ra, mức phí xét nghiệm xác định trong trường hợp lấy mẫu gộp 5, 10 mẫu tại thực địa, phòng xét nghiệm sẽ dao động từ 62.500 đồng đến 112.500 đồng.
Theo tờ trình của UBND TPHCM, việc ban hành nghị quyết nhằm tạo sự đồng bộ giữa giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cả 2 trường hợp thuộc và không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, với mức giá này, ngân sách Nhà nước có cơ sở thanh quyết toán chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương của dịch vụ xét nghiệm.
Sáng cùng ngày, các đại biểu HĐND TPHCM cũng biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TPHCM về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.
Toàn bộ 16 dự án được HĐND TPHCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư đều tăng tổng vốn đầu tư dự án, tăng thời gian thực hiện dự án so với kế hoạch ban đầu. Tổng mức đầu tư các dự án được đề xuất điều chỉnh tăng gần 6.600 tỷ đồng.