59 năm ngày mất nhà văn Nhất Linh (Kỳ 2): Cái chết ám ảnh gia đình

Dòng chảy - Ngày đăng : 09:57, 08/07/2022

Ngày 7/7/1963, nhà văn Nhất Linh tự vẫn tại nhà riêng trước khi ông bị đem ra xét xử tại toà án. Bởi ông yêu tự do, chỉ muốn cuộc đời mình để lịch sử phân xử.

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do”, đó là di ngôn nhà văn Nhất Linh để lại trước khi uống thuốc độc.

Vào ngày 5/7/1963, nhà văn Nhất Linh nhận được trát hầu toà sẽ diễn ra lúc 7h30 ngày 8/7/1963. Ông sẽ bị đem ra xét xử tại toà án quân sự đặc biệt Sài Gòn Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý.

nhalinh-vb.jpeg
Nhà văn Nhất Linh nổi tiếng vì câu nói: "Đời tôi để lịch sử xử". Ảnh tư liệu

Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhất Linh, con trai của ông - Nguyễn Tường Thiết - lần đầu công bố tuyển tập hồi ký Nhất Linh, cha tôi giúp những người yêu mến ông có một cái nhìn rõ nét hơn về chân dung ông.

Theo lời kể của con trai ông, ngay khi nhận được trát toà với nội dung “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”, Nhất Linh rất bồn chồn.

Con trai ông trấn an: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi như là một dịp đi nghỉ mát”.

nvnhatlinh-vb.jpeg
Nhà văn Nhất Linh có đến 7 người con. Ảnh tư liệu

Ông đáp lời con: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.

Và sau vài giờ suy nghĩ, tính toán, Nhất Linh dường như đã có quyết định của riêng mình. Khi tâm sự với con trai về một cuộc đời đầy biến động, ông nói mình chẳng có gì tự hào vì không có việc nào làm đến nơi đến chốn.

Nhưng ông hài lòng nhất là thành lập được nhóm Tự Lực văn đoàn. Nhất Linh chẳng mấy thiết tha đến chính trị nhưng đôi lúc “nó buộc mình tham gia” bởi nếu không làm việc nước, ông lại áy náy và chẳng làm được gì khác.

Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách giản dị không ngờ, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách nhiệm. Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Đà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì thế làm chính trị lúc tiến thì dễ lúc rút thì khó", Nhất Linh trải lòng với con trai ông.

hoikynhatlinh-vb.jpeg
Con trai ông phát hành hồi ký về cha năm 2006 tại Mỹ

Sau đó, ông cùng vợ con ăn bữa cơm gia đình vui vẻ. Khi vợ và con trai út nghỉ trưa, Nhất Linh ngồi uống rượu với con trai lớn. Ông không giấu diếm ý định sẽ tự vẫn, bởi vào khám cũng sẽ chết. Nên ông dặn con trai cứ để yên ông ngủ, qua hôm sau hãy đánh thức dậy, mọi việc khi đó sẽ xong xuôi.

Sau khi căn dặn, Nhất Linh tiến lại bàn viết tờ di ngôn. Nhưng viết đến 2 bản với nội dung “Tôi không chịu để ai xử tôi cả” và dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nếu đưa cho ký giả Mỹ, Pháp được thì không cần. Xong xuôi, ông đưa tay che miệng nói buổi trưa mải nói chuyện, không được ngủ nên giờ mệt quá và khen “trời hôm nay đẹp quá”.

Nhưng con trai ông dự tính sẽ ngăn cản cha tự tử bằng việc đợi ông ngủ rồi lẻn vào lấy thuốc độc giấu đi. Ngờ đâu, Nhất Linh quyết định ra đi sớm hơn, không phải vào ban đêm như lời ông nói.

Con trai ông phát hiện cha đã ngủ nên để yên và bỏ xuống nhà. Khi anh quay lại mới để ý dáng ngủ của cha khổ sở quá, có vẻ khác lạ. Anh nhìn chai rượu vơi gần nửa mới nhớ cử chỉ của ông ban nãy. Khi uống đến chén thứ 3, dường như cha anh không còn thưởng thức ngon lành nữa, ông đang cố tình nốc rượu vào người.

Và khi phát hiện Nhất Linh uống thuốc độc pha với rượu, vợ và con cùng những người bạn tức tốc đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Mọi người đều nuôi hy vọng ông sẽ được cứu chữa, bởi sự việc chỉ mới diễn ra hơn một giờ đồng hồ, thuốc sẽ chưa kịp ngấm.

Nhưng bác sĩ thông báo Nhất Linh sẽ khó qua khỏi đêm hôm đó. Và đến khuya ông ra đi. Không khí lạnh tanh bao trùm cả bệnh viện, cả gia đình ông. Vợ ông khóc ngất, những người con thì chết trong lòng khi thốt ra câu nói: “Cậu bỏ đi thật rồi”. Bóng người trĩu nặng hắt ra từ ánh đèn trên nền hành lang phủ một màu tang thương trong im lặng.

“Chết là trở về mình hồi ấy đó”, Nhất Linh từng nói khi con trai hỏi về việc “chết sẽ như thế nào”.

Ông cũng không quên dành cho người vợ tảo tần, một hậu phương vững chắc giúp ông xông pha chính trường:“Mình, Mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không… mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh 7/7/1963”.

Di chúc của ông vẫn còn được lưu truyền: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng. Tôi chống đối và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do”.

Linh cữu của Nhất Linh được chôn cất tại nghĩa trang chùa Giác Minh, Gò Vấp, TP.HCM. Năm 1981, vợ ông sang Pháp đoàn tụ với các con rồi qua đời tại đây. Những người con của ông quyết định đưa di cốt của cha mẹ về khu mộ của dòng họ Nguyễn Tường tại Hội An, Quảng Nam. Mỗi khi du lịch đến đây, bạn sẽ được nghe những câu chuyện về ông từ những người trông coi nhà thờ tộc.

An Nhiên (Tổng hợp)