Giá xăng giảm thêm 1.000 đồng thuế môi trường: Chuyên gia, doanh nghiệp nói gì?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:39, 07/07/2022

Chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng để "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn, cần giảm thêm các loại thuế khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 - 700 đồng với dầu, đồng thời yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh 11/7.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Giá xăng giảm thêm 1.000 đồng thuế môi trường: Chuyên gia, doanh nghiệp nói gì? - 1

Chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng vẫn cần giảm thêm thuế để giúp giá xăng dầu trong nước "hạ nhiệt". (Ảnh: H.B)

Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn thig việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang gồng gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí.

Trong 4 sắc thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu (gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt), TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ.

“Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu.”, TS Trinh nói.

Theo chuyên gia, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi.

PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. “Xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ phẩm nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này không hợp lý. Hơn nữa đây là thời điểm cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiệt quệ vì dịch COVID-19”, ông Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng cơ quan điều hành cần phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng, dầu chứ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường. Bởi với mức giá xăng dầu hiện tại, nếu chỉ giảm thêm thuế môi trường sẽ chỉ mang tính thời điểm, khó có thể khiến giá xăng “hạ nhiệt”.

Ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho biết tính từ đầu năm, giá dầu diesel, nhiên liệu dùng nhiều trong vận tải, đã tăng thêm trên 10.000 đồng mỗi lít. Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, tăng giá thì dễ mất khách, nhưng không tăng thì cầm chắc lỗ.

"Trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi COVID-19 và giá xăng dầu leo thang nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 - 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng. Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa...", ông Quýnh nói.

Ông Quýnh mong Nhà nước sớm giảm thêm các loại thuế hoặc có chính sách trợ giá, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết chi phí nhiên liệu (dầu diesel) cho mỗi xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai hiện nay đã lên mức gần 6 triệu đồng, chưa tính các chi phí vận hành, tương đương 45 - 50% doanh thu. Với mức chi phí này, nếu xe không kín chỗ, doanh nghiệp chắc chắn bù lỗ.

"Xăng dầu hiện nay chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải. Trong thời gian qua, giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi. Không chỉ chúng tôi mà hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt", ông Bằng nói.

Tương tự, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh logistics. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chỉ mong hòa vốn.

"Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục khiến cả doanh nghiệp logistics và đối tác lo lắng. Bởi khi giá xăng dầu tăng, chí phí vận chuyển tăng, giá cước cùng phải điều chỉnh, nếu không doan nghiệp logistics sẽ lỗ nặng do thu không đủ bù chi", ông Nam chia sẻ.

Có nên để thị trường điều tiết giá?

Liên quan đến câu chuyện điều hành giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện nay giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ. Việc chưa để giá xăng dầu do thị trường quyết định cũng khiến việc quản lý thị trường này thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao nhất.

“Nhà nước nên kiểm soát bằng các công cụ như thuế, phí…chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay”, TS Trinh nói và cho biết khi giá xăng được “thả nổi”, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.

Vẫn theo ông Trinh, chúng ta đã có quy định pháp luật về cạnh tranh, về giá… nên không lo việc “thả nổi” giá xăng dầu thì không quản lý được thị trường này. Trái lại, khi thị trường được tự do sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào thị trường. Thực tế chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, người dân sẽ càng được lựa chọn dịch vụ tốt và giá rẻ nhất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy hạ giá thành, giá bán lẻ, chứ không phải sẽ rơi vào hỗn loạn hay tăng giá.

Tuy vậy, chuyên gia cũng cho rằng việc thả nổi xăng dầu khó thực hiện ngay được do thị trường còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn nắm thị phần chi phối.

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh, nên không thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định.

Đánh giá về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Long cho rằng chúng ta đã điều hành giá xăng dầu khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá xăng dầu thế giới đến giá trong nước. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới. Tuy nhiên, việc điều hành giá cần có phương án để tiệm cận giá thế giới.

“Trong điều hành giá chúng ta không nên dùng quá nhiều các biện pháp can thiệp vào thị trường. Với xăng dầu phải điều hành theo sát giá thị trường thế giới. Nếu khoảng cách giữa hai kỳ điều chỉnh giá quá dài, dẫn đến lệch pha, không theo kịp với diễn biến giá xăng dầu thế giới”, ông Long nêu quan điểm.

Hòa Bình