Hà Nội thu hơn 3 nghìn tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất
Kinh doanh - Ngày đăng : 23:05, 06/07/2022
Thu tiền sử dụng đất đạt 6.264 tỷ đồng
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Sở đã chủ động xây dựng 15 Kế hoạch, Văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình công tác của UBND Thành phố trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố giao, đảm bảo chất lượng công việc, tiến độ thực hiện.
Về lập Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, ngày 9/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phân bổ trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức làm việc với UBND các huyện, thị xã thống nhất định hướng triển khai thực hiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 thông qua danh mục công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn Thành phố; báo cáo UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 30 quận, huyện, thị xã; tiếp tục triển khai bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2022, trình HĐND, UBND Thành phố phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai.
Căn cứ Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, lũy kế đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất (đối với trường hợp UBND Thành phố quyết định thu hồi), giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 108 khu đất với tổng diện tích 112,3ha.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND Thành phố về kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022. Trong đó, giao UBND các quận, huyện, thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả. Theo chỉ tiêu pháp lệnh thuế, kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 3.106/12.450 tỷ đồng, đạt 24,94% kế hoạch.
Thu tiền sử dụng đất được 6.264 tỷ đồng/20.000 tỷ đồng, đạt 31,32%; Thu tiền thuê đất: 2.067 tỷ đồng/5.500 tỷ đồng, đạt 37,58%. Theo kế hoạch thu được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021, tiếp tục xác định nghĩa vụ tài chính theo Quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 52 dự án, dự kiến thu được 11.434 tỷ đồng.
Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đã phối hợp cùng các Tổ công tác liên ngành Thành phố làm việc với các quận, huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận và kê khai, đăng ký đất đai lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư được 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%, trong đó, 6 tháng đầu năm 2022 cấp Giấy chứng nhận cho 9.302 thửa; đăng ký kê khai 94.841 thửa.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở được 264.561 căn/368.337 căn tại 787 dự án, đạt 71,8%; trong đó, 6 tháng đầu năm 2022 cấp Giấy chứng nhận cho 14.312 căn. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định được 14.439/15.522 căn, đạt 93,02%, trong đó, 6 tháng đầu năm 2022 cấp Giấy chứng nhận cho 89 căn. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.861 Giấy chứng nhận, đạt 99,21%.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, đã cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các tổ chức được 21.969 thửa đất, bao gồm: cấp Giấy chứng nhận 20.605 thửa; cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu 1.364 thửa. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, cấp Giấy chứng nhận cho 1.022 thửa; cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho 4 thửa.
100% rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm được thu gom
Đối với công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là: tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố đạt 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 95-100%; Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99%.
Sở đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, công việc thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường được Thành ủy, UBND Thành phố giao. Tập trung triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về hạn chế sử dụng than tổ ong và Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về hạn chế đốt rơm rạ, chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hai đoàn kiểm tra liên ngành đến từng quận, huyện, thị xã để kiểm tra, ban hành văn bản đôn đốc thực hiện. Đến nay, còn khoảng 450 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 54.042 bếp, giảm 99,17 % so với kết quả điều tra, khảo sát ban đầu năm 2017.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; nghiên cứu, xây dựng quy trình phân loại rác thải tại nguồn, phương án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố, quy chế giám sát thực hiện và dự thảo văn bản hướng dẫn của UBND Thành phố gửi UBND các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31/8/2017. Triển khai các nội dung của Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các nhiệm vụ thuộc Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 sông trong nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét), đề xuất các giải pháp phục hồi chất lượng nước, phát triển hạ tầng, cảnh quan hai bên sông. Tiếp tục hoàn thiện Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại Thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghiên cứu xây dựng phương án phân loại rác thải sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý theo lộ trình phù hợp; áp dụng cơ giới hoá trong thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; hoàn thành chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ thu gom và vận chuyển rác thải. Nghiên cứu và có ý kiến góp ý nội dung kiến nghị của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai 11 đoàn thanh tra, kiểm tra (gồm 9 Đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai; 2 Đoàn kiểm tra về môi trường, tài nguyên nước); cử cán bộ tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố chủ trì thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.