Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường làm tăng nguy cơ ung thư
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:28, 06/07/2022
Theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đồ uống có đường (nước ngọt) gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.
Mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người Việt chỉ dùng khoảng 6 lít/năm đồ uống có đường thì năm 2021 đã tăng lên gần 56 lít.
Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khỏe như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư.
Đáng lưu ý, sử dụng đồ uống có đường cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu ở Mỹ phân tích số liệu từ 95.000 phụ nữ tham gia trong 15 năm cho thấy, với mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày thì nguy cơ ung thư tăng thêm 16%.
Phụ nữ tiêu thụ ≥708ml đồ uống có đường/ ngày có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn gấp 2 lần. Với nhóm 13-18 tuổi, với mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày tăng thì nguy cơ ung thư tăng thêm 32 lần.
Một nghiên cứu khác ở châu Âu giai đoạn 2009-2019 trên 101.000 người cho thấy tổng lượng đường tiêu thụ có mối liên quan với nguy cơ ung thư cao (điển hình là ung thư vú). Nghiên cứu ở Anh trên gần 200.000 nam (40-69 tuổi) giai đoạn 2006-2016 cũng cho thấy tỷ lệ tử vong cao có mối liên hệ đặc biệt với tiêu thụ đồ uống có đường.
Theo khuyến cáo của WHO lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe. Tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.