Nghề quanh năm ngồi "gảy tay", biến cỏ dại thành hàng hiệu
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:47, 06/07/2022
Bao đời nay, khu vực các xã Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây của huyện Châu Thành (Tiền Giang) được biết đến là nơi có nghề đan cỏ bàng nổi tiếng. Những sản phẩm túi xách, nón, đệm em bé, đệm lót giường bằng cỏ bàng đã được thương nhân đưa từ đây đi khắp các tỉnh thành phía Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.
Giải quyết việc làm cho người dân địa phương
Không ai rõ nghề đan cỏ bàng hình thành từ khi nào. Khi được hỏi, ngay cả những lão niên trong vùng cũng nói "từ bé đã thấy bà ngoại đan bàng, mẹ đan bàng chứ không biết nghề từ đâu mà có".
Những nghệ nhân đan cỏ bàng cho biết, xưa kia khắp ruộng trũng, bờ kênh hay những khu rừng ngập nước trong vùng đều tràn ngập cỏ bàng. Cỏ bàng mọc khắp nơi, cao quá đầu người. Ngày đó, những khi nông nhàn, dân làng lại rủ nhau đi lấy cỏ bàng về đan.
Nghề đan cỏ bàng phát triển, cây cỏ bàng tự nhiên không đáp ứng đủ nên những cánh đồng lúa mênh mông cũng được chuyển đổi để trồng bàng. Công việc dần chuyên môn hóa, trong ấp có người chỉ làm mỗi khâu trồng cỏ bàng, có người chỉ sơ chế cỏ bàng và nhiều người chỉ làm mỗi khâu đan lát.
Cỏ bàng mỏng manh, chỉ to bằng đầu đũa, thân rỗng nhưng cao quá đầu người nên rất dễ đứt gãy. Cỏ bàng được người dân thu hoạch cẩn thận xếp thành bó ngay ngắn, sau khi được phơi qua 3 nắng sẽ đến bước gia công.
Cỏ bàng phơi khô sẽ được tuyển lựa, ép dẹp thủ công hoặc bằng máy rồi chuyển qua công đoạn nhuộm màu. Mỗi gia đình làm nghề sẽ có một công thức, bí quyết nhuộm màu riêng để sản phẩm đạt chuẩn mà các nghệ nhân đan mong muốn.
Sau bước nhuộm màu, cỏ bàng tiếp tục được phơi một nắng để mỗi cọng cỏ đều bóng sáng, từ đó sản phẩm càng bắt mắt. Công đoạn cuối cùng là đan bàng thành các sản phẩm như nón, túi xách, đệm...
"Nhìn qua thì đan bàng khá đơn giản, cũng không có công thức đặc biệt gì nhưng thực tế càng đơn giản lại càng khó làm. Đây là công đoạn khó nhất. Sản phẩm của người thợ nhiều kinh nghiệm nhìn sẽ khác biệt người thợ học việc. Chất lượng sản phẩm phân biệt qua các lớp đan đều hay lệch, chặt hay lỏng, mối nối thô hay mịn.
Thợ càng giỏi thì càng đan được những sản phẩm nhỏ, được đánh giá cao và càng được giá", chị Lai Thị Liên - một thợ đan bàng nổi tiếng ở xã Tân Lý Đông chia sẻ.
Nhà chị Liên đã 4 đời làm nghề đan cỏ bàng. Điểm đặc biệt, nghề này chỉ truyền theo dòng nữ, bà ngoại biết đan dạy cho mẹ chị Liên, nay chị Liên lại đang truyền nghề cho con gái. Chị Liên bảo, nghề đan bàng chẳng khiến làm giàu được nhưng có thể giúp nhà nhà no đủ, vợ chồng bên nhau quây quần đầm ấm, không phải bôn ba mưu sinh.
Ở xã Tân Lý Đông có hàng trăm gia đình làm nghề đan bàng, có người làm chuyên, có người làm thêm những lúc nhàn rỗi. "Sinh ra tôi đã thấy mẹ đan rồi dần dần cũng tự biết đan. Tôi 53 tuổi nhưng đã gần 50 năm kinh nghiệm. Đan bàng không nặng nhọc, cũng không gấp gáp gì, rảnh làm, bận nghỉ, phụ nữ ở nhà chăm con hay nội trợ cũng làm thêm cũng kiếm được tiền', chị Liên cười nói.
Hàng xuất khẩu "đi Tây"
Thế nhưng nghề đan cỏ bàng cũng đã có lúc bị thách thức đến "nghẹt thở". Chị Lai Thị Hên (49 tuổi), chủ cơ sở sản xuất cỏ bàng lớn bậc nhất ở xã Tân Lý Đông nhớ lại, đầu những năm 2000, khi đồ gia dụng công nghiệp giá rẻ tràn ngập thị trường, sản phẩm từ cỏ bàng trở nên "đuối", không cạnh tranh lại, nhiều người làm nghề đã phải nghỉ, chuyển làm công nhân kiếm sống.
Đau đáu giữ nghề truyền thống, chị Hên đã cất công đi lên TPHCM dạo qua "thị trường lớn" một lượt khảo sát xem sản phẩm cỏ bàng còn có đất để bán hay không.
"Tôi đi gặp những cửa hiệu bán túi, bán nón lớn để hợp tác nhưng cũng khó. Tôi đến cả những doanh nghiệp xuất khẩu để chào hàng. Khi biết châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản đều chuộng đồ thủ công nhưng yêu cầu chất lượng cao, mẫu mã đẹp thì tôi thấy "cửa sáng", quyết tâm thay đổi để tồn tại", chị Hên chia sẻ.
Sau chuyến khảo sát trở về, từ chỗ chỉ làm giỏ đi chợ truyền thống, chị Hên chuyển sang làm túi xách du lịch, thời trang với mẫu mã đa dạng, hoa văn bắt mắt. Sản phẩm từ cỏ bàng cũng nhận được điểm cộng nhờ thân thiện môi trường, ngày càng ưa chuộng.
Với bước đi sáng tạo, chị Hên được coi là người vực dậy nghề đan bàng trong vùng. Hiện cơ sở của chị Hên sử dụng trên dưới 10 nhân công thường xuyên, hợp tác bao tiêu sản phẩm cho khoảng 100 hộ sản xuất.
Trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, sản phẩm cỏ bàng từ chỗ chỉ là vật dụng của nhà nghèo nay đã trở thành "hàng hiệu" lên kệ siêu thị ở trời Tây. Nghề đan bàng đã tồn tại và hiện ngày càng phát triển, trở lại như kỳ tích.
(Theo Dân Trí)