Sốt xuất huyết leo thang tại Hà Nội, có bệnh nhân viêm màng não, cô đặc máu
Tin Y tế - Ngày đăng : 14:23, 06/07/2022
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Hà Nội ghi nhận hơn 50 ca/tuần
Sau 5 ngày liên tục sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ăn uống kém và tự điều trị không cải thiện, chị N.C.T. (sống tại Hà Nội) phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.
Theo BS Nguyễn Đình Tới, Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, sau khi bệnh nhân nhập viện đã được tiến hành xét nghiệm có tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Đây là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết được Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận điều trị trong thời gian qua.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang vào mùa với diễn biến rất phức tạp. Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận 52 bệnh nhân sốt xuất huyết tại 24 quận huyện. Con số này tăng gấp 2,3 lần so với tuần trước.
Cộng dồn năm 2022 (theo số liệu cập nhật mới nhất), Hà Nội đã có tổng cộng 175 ca sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Ngành y tế Hà nội nhận định, trong thời gian tới dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục gia tăng do đang vào cao điểm mùa dịch.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết về từ phía Nam, dịch diễn biến bất thường
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có tiền sử đi du lịch, đi công tác về từ phía Nam.
Như trường hợp bệnh nhân nữ, 66 tuổi quê ở Hà Nam. Sau 5 ngày trở về từ chuyến du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, bệnh nhân xuất hiện sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại.
Do không khai thác yếu tố dịch tễ, ở bệnh viện tuyến dưới bệnh nhân được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, có hạ tiểu cầu. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng diễn biến theo chiều hướng xấu, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ chỉ còn 6 G/L, hematocrit tăng cao, tức là có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao.
Tương tự tại Bệnh viện Thanh Nhàn, khi khai thác kỹ tiền sử của các ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện, ghi nhận nhiều trường hợp từng đi du lịch ở miền Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong khi dịch sốt xuất huyết ở miền Nam đang bùng phát mạnh thì ở miền Bắc đã xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh, chủ yếu do đi từ miền Nam ra.
Một điểm bất thường của diễn biến dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc trong năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia, là bùng phát muộn hơn các năm.
Cụ thể, theo ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, thông thường các năm vào đầu tháng 6 tại miền Bắc đã bắt đầu có dịch sốt xuất huyết, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 7. Tuy nhiên, trong năm nay, dự báo dịch sẽ bùng phát mạnh trong giai đoạn tháng 7 - 10, đỉnh điểm là tháng 8.
"Sự thay đổi này có thể xuất phát từ thời tiết. Như chúng ta có thể thấy, năm nay mùa hè vẫn có những đợt mưa lạnh nên có thể khiến chu kỳ của muỗi thay đổi dẫn đến thay đổi chu kỳ dịch sốt xuất huyết", BS Hường cho hay.
Sốt xuất huyết gây viêm màng não, cô đặc máu: Đến viện ngay khi có triệu chứng nghi ngờ
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua đã điều trị một bệnh nhân nam 38 tuổi, quê ở Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy tuyến Nam Bắc. Trước khi thực hiện chuyến đi từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn, bệnh nhân đã có sốt. Khi đến đây, bệnh nhân sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.
Tại Trung tâm Nhiệt đới, bệnh nhân được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy có dương tính với sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ 70 G/L.
"Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não-màng não", PGS Cường thông tin. Theo chuyên gia này, đây là một biến chứng nặng, dù ít gặp.
Bên cạnh viêm màng não, bệnh nhân sốt xuất huyết còn có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, sốc, suy đa tạng…
Do đó, người dân khi có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết.
Ngoài ra, khi đi du lịch hay ở nhà, mỗi người cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết phức tạp, Sở Y tế Hà nội cũng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.