Chuyên gia tâm lý chỉ cách giải tỏa áp lực cho các sĩ tử khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Xã hội - Ngày đăng : 13:37, 06/07/2022

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục kỹ năng sống ATC, Giảng viên kỹ năng mềm đã có những lời khuyên giúp các sĩ tử giải tỏa áp lực tâm lý khi bước vào 'cuộc chiến thi cử' khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần.
Giáo dục
Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh chia sẻ giúp các thí sinh vượt qua áp lực khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: NVCC)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh phải học online trong thời gian dài. Theo anh, điều này có gây khó khăn cho các em trong việc ôn thi?

Học online trong một thời gian dài cũng ảnh hưởng một phần đến việc tiếp thu các kiến thức, nhưng không vì học online mà lượng kiến thức các em tiếp nhận không đủ. Thông qua các công cụ học trực tuyến, các kiến thức được thầy cô truyền tải linh hoạt và sinh động. Sau giai đoạn dịch căng thẳng, học sinh cũng đã có thời gian trở lại trường học trực tiếp, nhờ vậy mà các em được củng cố các kiến thức và được ôn tập trọng tâm.

Dịch Covid-19 cũng một phần ảnh hưởng đến việc tiếp nhận kiến thức mới và ôn thi, nhưng không quá lớn. Tôi tin rằng, với việc các em có ý thức tự giác học và ôn tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô, kết quả các em có được cũng sẽ tốt, cho dù là online hay offline. Quan trọng nhất là sự tự học, tự nghiên cứu và luyện giải đề.

Ngoài việc lo lắng thi cử sau dịch Covid-19, các vấn đề về lựa chọn ngành nghề, khía cạnh về sức khỏe cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Các sĩ tử nên suy nghĩ, áp dụng cho mình giải pháp tâm lý nào để giải tỏa áp lực thi cử? Lời khuyên của anh?

Trước hết, sĩ tử cần xác định thi cử là một phần trong quá trình học tập, có học tập thì ắt sẽ có thi cử. Suy nghĩ nhẹ nhàng hơn là việc kiểm tra lại kiến thức đã học. Học tập là một quá trình, để có được kết quả tốt trong thi cử, sĩ tử cần có một quá trình học tập và rèn luyện, tránh việc “nước tới chân mới nhảy” và bắt đầu nhồi nhét, học tủ học gạo, điều này sẽ gia tăng áp lực.

Sĩ tử xem học tập là một mục tiêu trong cuộc sống, nếu đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không như mong đợi thì cũng cần hiểu rằng, học tập có nhiều cơ hội và nhiều con đường để tiếp nhận tri thức.

Nếu như vấp ngã, sĩ tử hãy cứ đứng lên và tiếp tục chinh phục, thành ngữ Nhật có câu “7 lần vấp ngã 8 lần đứng lên”. Bên cạnh mình còn nhiều người yêu thương, vì thế các em hãy cứ cố gắng và tiếp tục bước đi.

Gia đình cần quan tâm thế nào để giảm áp lực cho các em?Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng thế nào để “chống sốc” cho các sĩ tử, để các em không bị quá hụt hẫng nếu kết quả thi cử không thực sự như ý muốn?

Gia đình cần đồng hành và chia sẻ nhiều hơn với các sĩ tử, để các em thấy rằng, dù kết quả có ra sao thì mình vẫn có giá trị và quan trọng nhất. Gia đình vẫn luôn bên cạnh và không quá áp đặt chuyện điểm số. Gia đình đồng hành với các em trong việc học tập, sức khỏe, giải trí, ngủ nghỉ, những lời quan tâm và hỏi han nho nhỏ cũng là một phần động lực giúp các em cố gắng hơn.

Cần phải định hướng thế nào để các em tìm được nơi phù hợp nhất với năng lực, phẩm chất chứ không phải chạy đua đến cái đích đại học?

Để trở thành một công dân toàn cầu, đi bất cứ nơi đâu, làm việc với bất cứ ai, đa văn hoá và ngôn ngữ thì đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cố gắng mỗi ngày. Đại học, bằng cấp không phải là con đường duy nhất giúp thành công, nhưng để có được bằng cấp thì phải trải qua một quá trình khổ luyện, học tập và nghiên cứu, từ đó giúp tư duy phát triển và nguồn kiến thức chuyên môn phong phú, chuyên sâu.

Học đại học là tốt, nhưng nếu vào đại học mà có tư duy "học cho có" thì rất nguy hiểm, sẽ mất thời gian, tiền bạc, công sức và không làm được việc mà xã hội kỳ vọng và mong muốn. Vì vậy, khi đã xác định học đại học thì các em cần phải quyết tâm và nghiên cứu không ngừng.

Là người thường xuyên tiếp xúc và tư vấn cho các em học sinh, anh có thể chia sẻ cách để các sĩ tử cân bằng, giảm căng thẳng khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới?

Sĩ tử hãy cân bằng về những mục tiêu sống như sức khỏe, gia đình, tình bạn, tình yêu, học tập, giải trí… Vì vậy, việc phải cân bằng những khía cạnh trên là cần thiết.

Gia đình, tình bạn hay tình yêu, sức khỏe… nếu một trong những điều này trục trặc sẽ khiến các em để tâm, điều này làm mất tập trung chú ý, ảnh hưởng đến việc ghi nhớ, mất bình tĩnh, dẫn đến ảnh hưởng kết quả thi.

Trước thi, sĩ tử hãy xem lo lắng là cảm xúc rất bình thường, ai cũng cảm thấy lo lắng khi mùa thi đến, cảm xúc lo lắng đến như một sự thúc đẩy làm chúng ta quan tâm học tập và ôn bài, giải đề. Do đó, nên tránh phải lo lắng quá nhiều về cảm xúc này.

Trước khi thi, các em chú ý về sức khỏe, tránh việc lạm dụng các chất kích thích như cà phê, nước ngọt. Các em hãy ăn uống đúng giờ, khoa học. Dành thời gian để giải trí, ngủ đúng giờ, tránh việc thức quá khuya để học nhồi nhét. Khi đi thi, các em nhớ đi sớm hơn giờ thi, ăn sáng, để tâm lý thoải mái trước khi thi, tránh việc đến sát giờ thi.

Lưu ý: đem theo nước, đồng hồ để làm chủ thời gian, đồ dùng phục vụ cho môn thi, cười và niềm nở với giám thị và những sĩ tử xung quanh để tâm lý thoải mái và tạo cảm giác thân thuộc. Khi làm bài cần phân chia thời gian cho các câu, làm câu dễ trước, đừng để ý người khác làm bao nhiêu tờ, hãy tập trung vào bài làm của mình.

Sau thi, đừng vội xem đáp án, đợi chờ khi thi hết tất cả các môn hãy kiểm tra, vì xem đáp án của những môn thi trước sẽ làm ảnh hưởng tâm lý và kết quả của những môn thi sau.

Nếu cố gắng thi nhưng kết quả không như mong muốn cũng không sao cả, còn nhiều con đường khác có thể học, nhiều cơ hội khác vẫn còn dành cho ta, quan trọng các em hãy bình tĩnh và người khác sẽ giúp đỡ các em. Gia đình, nhà trường, những người xung quanh sẽ luôn bên em. Tránh suy nghĩ tiêu cực và có những hành động dại dột, không hay sau thi. Các em hãy có suy nghĩ và hành động tích cực.

Xin cảm ơn anh!

Nguyệt Hà