Thủ tướng Sri Lanka tuyên bố đất nước "phá sản"

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:02, 06/07/2022

Sri Lanka đã “phá sản,” Thủ tướng Ranil Wickermesinghe tuyên bố, trong lúc đất nước này trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất suốt nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người không mua nổi thực phẩm và nhiên liệu.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickermesinghe (Ảnh: CNN)

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickermesinghe (Ảnh: CNN)

Thủ tướng Wickremesinghe trong hôm 5/7 đã phát biểu trước các nhà lập pháp rằng, các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm phục hồi nền kinh tế “đã sụp đổ” của nước này là “rất khó khăn” bởi quốc gia Nam Á 22 triệu dân này đã bước vào bàn đàm phán với vị thế một nước phá sản, chứ không phải một nước đang phát triển.

“Chúng ta hiện giờ đang tham gia vào các vòng đàm phán với tư cách một nước đã phá sản. Bởi vậy, chúng ta phải đối mặt với tình huống khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các vòng đàm phán trước,” ông Wickremesinghe nói trước Quốc hội.

“Do tình trạng phá sản của đất nước chúng ta, chúng ta phải chịu tuân theo một kế hoạch của IMF về đánh giá bền vững nợ,” ông nói. “Chỉ khi họ cảm thấy thỏa mãn với kế hoạch đó, chúng ta mới có thể đạt được một thỏa thuận ở mức độ làm việc.”

Sri Lanka hiện đang trong một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ, sau khi lượng dự trữ ngoại hối nhà nước giảm xuống mức thấp kỷ lục, khi đồng USD cạn kiệt khiến nước này không thể thanh toán tiền nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.

Nhiều trường học đã phải đóng cửa, trong khi nhiên liệu được cung cấp một cách hạn chế cho các dịch vụ thiết yếu. Ở một số thành phố lớn, bao gồm cả thủ phủ thương mại Colombo, hàng trăm người tiếp tục xếp hàng suốt nhiều giờ đồng hồ để mua xăng, đôi khi còn xảy ra đụng độ với cảnh sát và quân đội trong lúc chờ.

Hôm Chủ nhật tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera nói rằng đất nước ông chỉ còn đủ nhiên liệu dùng trong 1 ngày.

“Về nhiên liệu và thực phẩm, đất nước chúng ta từng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kiểu này một vài lần trước đây. Nhiên liệu khan hiếm. Giá thực phẩm tăng cao,” ông nói, thêm rằng các cuộc khủng hoảng quốc tế như cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến cho tình hình thêm trầm trọng.

“Do các cuộc khủng hoảng toàn cầu mới đây, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn, và chúng ta vốn đã ở trên chảo rán thì giờ bị ném vào lò nướng,” ông Wijesekera nói.

Hôm 5/7, Thủ tướng Wickremesinghe nói ông hy vọng rằng một báo cáo về tái cấu trúc nợ và đánh giá bền vững nợ sẽ được chuyển cho IMF trong tháng 8 năm nay. Một khi đạt được thỏa thuận, một chương trình hỗ trợ vốn toàn diện sẽ được chuẩn bị cho giai đoạn 4 năm, ông nói.

Bài phát biểu của ông trước Quốc hội đã bị gián đoạn bởi một số nhà lập pháp phe đối lập, những người yêu cầu ông “đi về nhà” – ám chỉ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Trong suốt nhiều tháng, một số lượng lớn người dân Sri Lanka đã kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức do các cáo buộc quản lý không tốt nền kinh tế. Theo ông Wickremesinghe, đến cuối năm nay, lạm phát ở nước này có thể lên tới 60%.

“Đây sẽ là một hành trình đầy khó khăn và cay đắng,” ông Wikremesinghe nói. “Nhưng chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm sau hành trình này. Chúng ta có thể đạt được bước tiến.”

Chính phủ Anh trong hôm 5/7 cho hay, họ khuyến cáo công dân chỉ đến Sri Lanka nếu cần thiết, do tác động của khủng hoảng kinh tế.

Theo CNN

Huyền Chi