Cổ phiếu thép liên tiếp giảm sâu, lướt sóng có dễ ăn?
Kinh doanh - Ngày đăng : 10:12, 06/07/2022
5 tháng đầu năm 2022, ngành thép phải đối mặt với những khó khăn khi nhu cầu trong nước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi tăng 15% trong quý 1/2022 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố, giá thép cao cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ; lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho; các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13%. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt là mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý 4/2021.
Sự sụt giảm về sản lượng là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.
Các công ty tôn mạ như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8 với sản lượng khoảng 60 nghìn tấn/tháng. Tuy nhiên, việc các đơn hàng xuất khẩu trước từ 1 đến 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước khi các công ty ký được trước khoảng 3-4 tháng.
Thêm vào đó, EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang châu Âu ước đạt 979 nghìn tấn.
Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4.
Sau khi tăng vọt lên 56% khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, hiện giá thép HRC tại EU đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng xảy ra.
Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm.
Giá nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầy yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép từng xuống mức tương đối thấp trong giai đoạn 2018-2019 do các doanh nghiệp tăng công suất, hàng tồn kho tăng cao,… Tuy nhiên, kịch bản này sẽ khó có thể lặp lại bởi không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020-2021.
Mặc dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép hiện nay được cho là chỉ phù hợp với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn.
Tính từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất đều giảm mạnh. Tính đến hết phiên 5/7, HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm 37%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 54%, và NKG của Thép Nam Kim giảm 40%.
Một số mã cổ phiếu thép có thị phần nhỏ hơn như POM của CTCP Thép Pomina cũng đã giảm 51% kể từ đầu năm; TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên giảm 55%; VCA của CTCP Thép Vicasa giảm 11,2%; VGS của CTCP Ống thép Việt Đức có mức giảm mạnh nhất, lên tới 62%.
Hiền Anh