Nửa năm từ hy vọng tràn trề đến thất vọng não nề với F0 chứng khoán
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:41, 06/07/2022
Tuy nhiên, mọi thứ đảo chiều từ đầu tháng 4. Ngay cả những nhà đầu tư bi quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng kịch bản VN-Index mất hơn 20% giá trị sau 3 tháng.
Chỉ trong vài ngày từ 29/3 đến 5/4 (khoảng thời gian được tô đậm trên biểu đồ), lãnh đạo hai tập đoàn lớn gồm Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng lần lượt bị khởi tố. Trong khi ông Quyết và nhiều cá nhân liên quan FLC bị khởi tố vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Dũng và một số thành viên chủ chốt của Tân Hoàng Minh bị khởi tố liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường sau đó liên tục giảm sâu.
Đến ngày 20/4 (thời điểm được thể hiện bằng đường gạch nối trên biểu đồ), ông Đỗ Thành Nhân - người đứng sau loạt doanh nghiệp "họ" Louis làm mưa làm gió trên sàn chứng khoán năm 2021 cùng ông Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt cũng bị khởi tố vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Bất chấp các cơ quan quản lý lẫn giới chuyên gia, nhiều quỹ đầu tư lớn đều cho rằng những sự việc kể trên sẽ giúp thanh lọc thị trường và giúp chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh hơn, nhà đầu tư vẫn tiếp tục chứng kiến thị trường lao dốc, chịu thiệt hại nặng. Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, VN-Index hồi phục, lấy lại mốc 1.300 điểm nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", thị trường lại điều chỉnh mạnh và tiếp tục thủng mốc 1.200 điểm khi kết thúc 6 tháng đầu năm.
Nhận định về triển vọng chung thị trường 6 tháng cuối năm, nhiều công ty chứng khoán như VNDirect, Rồng Việt, Yuanta cùng cho rằng nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi thị trường Việt Nam như lạm phát, áp lực điều chỉnh lãi suất, tỷ giá từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Dù vậy, định giá của chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực. Ngoài ra, lợi nhuận của các doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Cùng với đà lao dốc của chỉ số, thanh khoản cũng giảm mạnh từ quý II. Trong 3 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân luôn vượt mốc tỷ USD, trên 23.000 tỷ đồng mỗi phiên nhưng bắt đầu suy giảm mạnh từ tháng 4. Đến tháng 6, giá trị giao dịch bình quân chỉ còn hơn 14.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Không chỉ suy giảm về giá trị tuyệt đối, khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân mỗi phiên cũng giảm sâu trong tháng 5-6. Vào tháng 1, bình quân 875 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên trên sàn HoSE nhưng chỉ số này đến tháng 6 chỉ còn 545 triệu đơn vị/phiên, giảm hơn 40%. Khi thị trường đi xuống, trong giai đoạn "downtrend", nhà đầu tư không còn thay đổi danh mục, mua bán liên tục như trong giai đoạn thị trường bùng nổ "uptrend" năm 2021, chấp nhận bị "kẹp hàng".
Sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Thành Nhân cùng nhiều cá nhân bị bắt liên quan hành vi thao túng thị trường chứng khoán, các mã penny (được tô màu đỏ trong bảng trên) không còn xuất hiện trong nhóm cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất.
Trong 4 tháng đầu năm, FLC cùng một số cổ phiếu penny luôn nằm trong nhóm được giao dịch sôi động nhất trên sàn HoSE nhưng khi bước sang tháng 5-6, cùng với việc thị trường đi xuống liên tục, top 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất gọi tên các mã cổ phiếu trong danh mục VN30, nhóm tài chính, chứng khoán.
Trái ngược với đà bán tháo của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại bắt đầu đổi từ bán ròng sang mua ròng khi chứng khoán Việt Nam bắt đầu lao dốc. Ngay trong tháng 4, khối ngoại mua ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên sàn HoSE và tiếp tục duy trì vị thế này trong hai tháng còn lại của quý II.
Cùng với việc VN-Index bốc hơi hơn 20% trong quý II, số lượng doanh nghiệp trong câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD của HoSE cũng giảm xuống từ 49 vào tháng 3 xuống chỉ còn 42 tại thời điểm kết thúc tháng 6. Trong đó, chỉ có 3 doanh nghiệp giữ được mức vốn hóa trên 10 tỷ USD xuyên suốt giai đoạn trên gồm Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), Vingroup (mã chứng khoán: VIC) và Vinhomes (mã chứng khoán: VHM).
Trong số 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất tại thời điểm kết thúc năm 2021, duy nhất PV Gas tăng trưởng giá trị thêm 20% trong 6 tháng đầu năm, 9 doanh nghiệp còn lại đều sụt giảm vốn hóa. Cá biệt, Hòa Phát mất gần 40% giá trị doanh nghiệp, Techcombank cũng mất gần 30% vốn hóa.
(Theo Dân Trí)