13 năm ngày mất NSND Phùng Há (Kỳ 1): Vàng son một đời
Dòng chảy - Ngày đăng : 01:07, 06/07/2022
Tròn 13 năm trước, NSND Phùng Há trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM. Bà được yên nghỉ ở nghĩa trang Nghệ sĩ tại chùa Nghệ sĩ ở Gò Vấp, TP.HCM, cũng là nơi bà lập nên để an táng các nghệ sĩ khi họ qua đời.
13 năm, tên tuổi của NSND Phùng Há vẫn mãi là biểu tượng của tài năng, cống hiến và cao đẹp của nghệ thuật và nhân cách.
Tài năng vụt sáng ở tuổi 13 và vang danh khắp xứ
NSND Phùng Há tên thật Trương Phụng Hảo. Bà được sinh ra vào năm 1911 tại Tiền Giang trong một gia đình có 7 người con. Cha bà là một người Hoa, lưu lạc đến Việt Nam, gặp gỡ mẹ bà và từ đó lập nghiệp.
Khi cô bé Phụng Hảo được sinh ra, gia đình bắt đầu làm ăn khấm khá. Nhưng không lâu sau đó, cha Phụng Hảo mất, người vợ dẫn theo con về lại Quảng Đông, Trung Quốc để thọ tang.
Ở Việt Nam, theo nhiều nguồn tin lưu lại, người con trai lớn cấu kết với chú ruột để chiếm gia tài. Vì không chịu nổi cuộc sống hà khắc của xứ người, lại thêm Phụng Hảo bị lây bệnh đậu mùa từ em gái đã mất, người mẹ tìm cách đưa con về quê nhà. Trên đường về Việt Nam, Phụng Hảo suýt bị quăng xuống biển khi hành khách phát hiện cô bé bị đậu mùa.
Nhưng ngày về, mẹ con Phụng Hảo cay đắng nhận ra gia tài đã bị cướp, bèn tìm về nhà ngoại để nương nhờ. Phụng Hảo cũng chỉ mới học tiểu học, đã phải đi in gạch để kiếm tiền lo bữa ăn sau khi bà ngoại mất, mẹ lâm bệnh.
Cô bé mới 12 tuổi phải in từng viên gạch để kiếm một cắc bạc/ngày. Nhưng khi Phụng Hảo cất tiếng hát, những người lớn làm công khi ấy mải miết chìm trong giọng ca của cô bé. Tiếng lành đồn xa, ông bầu của gánh hát Tái Đồng Ban đã tìm đến và muốn đưa cô Phụng Hảo về làm đào chánh.
Năm 1924, khi mới tròn 13 tuổi, Trương Phụng Hảo đã bắt đầu hành trình của một biểu tượng trong ngành nghệ thuật cải lương. Sau khi trải qua nhiều đoàn hát với hơn 50 năm, tên tuổi của Phụng Hảo lúc bấy giờ có nghệ danh là Phùng Há vang danh với các vở: Hoàng Phi Hổ quy châu, Kim Vân Kiều, Tái sanh duyên, Mổ tim Tỷ cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Tình sử Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân... Trong số đó, bà còn có vai kép đình đám với vở An Lộc Sơn, Lữ Bố…
Một tài năng sáng chói với các giá trị vĩnh hằng. Lúc sinh thời, NSND Phùng Há tâm sự bà yêu tất cả vai diễn, dù là chính hay phụ thì cũng đều được “rút tận tâm can” khi bước lên sân khấu.
Vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam Bộ
Với những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật cải lương nước nhà, năm 1984, Phùng Há được phong tặng danh hiệu NSND. Một cuộc đời không được bằng phẳng hay êm ái như tài năng bà xứng đáng được hưởng, nhưng NSND Phùng Há dành hết tình yêu lẫn tiền bạc cho nghệ thuật.
Từ năm 1963, bà tham gia công tác giảng dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hoà. Sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục công tác đào tạo tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và truyền dạy cải lương ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (giờ trường ĐH Sân khấu Điện ảnh thành phố). Đến năm 1995, vì lý do sức khoẻ, bà mới thôi công tác giảng dạy và truyền nghề.
Học trò của NSND Phùng Há có thể kể đến như cố nghệ sĩ, “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, Thanh Hoa hay thế hệ NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thanh Thanh Tâm, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Tấn Giao, Thanh Lựu, Tô Châu…
Nhưng không chỉ có tài năng, NSND Phùng Há còn được yêu mến bởi tấm lòng của bà dành cho đồng nghiệp. Bà thậm chí còn bán nhà để sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại quận 8, TP.HCM và chùa Nghệ sĩ tại quận Gò Vấp để chăm lo cho các nghệ sĩ già, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Tại ngôi chùa này, bà còn lập nghĩa trang Nghệ sĩ để làm nơi an táng các nghệ sĩ qua đời nếu không có người thân.
Không chỉ giúp đỡ đồng nghiệp, NSND Phùng Há còn không quản ngại đi đến những vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ bà con nghèo. Bà lớn lên trong giai đoạn biến cố của gia đình nên thấu hiểu cái nghèo đói, bởi vậy mà chỉ 3 tháng trước khi mất, bà cũng lặn lội đi hỗ trợ cho người nghèo.