Lào Cai: Khuyến cáo doanh nghiệp dừng đưa nông sản lên cửa khẩu Kim Thành
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 21:39, 05/07/2022
Như vậy, sau gần 10 ngày thí điểm nhập khẩu trái cây Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn (từ ngày 27/6), ngày 4/7, phía Trung Quốc thông báo tạm ngưng hoạt động xuất nhập khẩu do phát hiện có virus Sars-CoV-2 trong hàng hóa xuất khẩu.
Từ ngày 27/6 đến 3/7, hơn 3.000 tấn trái cây gồm: Vải thiều, thanh long, chuối, xoài được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
"Chính sách kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ lại khiến việc thông thương tiếp tục bị ngưng trệ. Việc tạm dừng này ảnh hưởng không chỉ mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam mà còn cả hàng nông sản nhập khẩu từ nước bạn vào thị trường nước ta. Tất cả xe hàng của hai bên vẫn trong tình trạng nằm chờ thông báo", đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Lo ngại tình trạng ùn tắc tái diễn
Theo Bộ Công Thương, việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Thậm chí, có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ước đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 509,22 triệu USD, giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,64 tỷ USD, giảm 52,5% so với kỳ năm 2021.
Cũng theo Bộ Công Thương, tại địa bàn tỉnh Lào Cai, việc phía Vân Nam tuy đã khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu với Việt Nam, vẫn tiếp tục tạm dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài,…) dẫn tới lượng hàng hóa này của Việt Nam tiếp tục dồn về địa bàn tỉnh Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các loại nông sản bước vào cao điểm vụ thu hoạch và năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn chưa cải thiện nhiều… Hiện nay, năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (cửa khẩu xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam sang Trung Quốc) vẫn ở mức thấp, khoảng hơn 100 xe/ngày, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 (khoảng từ 300-400 xe/ngày)…
Bộ Công Thương cho rằng, nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai công tác quy hoạch cửa khẩu, xây dựng văn bản pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới. Thường xuyên trao đổi thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp các địa phương biên giới phía Bắc, trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 2 nước tại các cửa khẩu.
Đặc biệt, chú trọng công tác thông tin, khuyến cáo tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thường xuyên cập nhật, đưa tin về tình hình, diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, qua đó kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.