Bệnh viêm não bắt đầu vào mùa tấn công trẻ nhỏ

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:58, 05/07/2022

TPHCM – Tháng 5 - 8 hằng năm là khoảng thời gian bùng phát các bệnh viêm não như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu, viêm màng não do não mô cầu... những bệnh này thường khó phát hiện, tỷ lệ tử vong cao và di chứng thần kinh vĩnh viễn.

Tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm – COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), sự căng thẳng vẫn còn hiển hiện rõ trên gương mặt của các bác sĩ và nhân viên y tế nơi đây. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, liên tiếp những trường hợp bệnh nhi nhập viện liên quan đến các bệnh viêm não.

 
Bệnh nhi nhập viện điều trị viêm não. Ảnh: HQ

Bệnh nhi M.T (11 tuổi, ngụ Gia Lai) vẫn đang trong tình trạng sốt cao liên tục, hôn mê, co giật và phải đặt ống thở nội khí quản để duy trì sự sống vì tổn thương não nặng.

Theo gia đình, bé bị sốt liên tục 3 ngày không hạ nên có đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lai và ngay sau đó được chuyển xuống cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Rồi từ đó đến nay, con trai chị phải sống phụ thuộc vào máy thở. Mọi hy vọng đều mong chờ tại căn phòng đặc biệt này.

BS.CKII Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm - COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, bé chưa được tiêm vaccine phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, dù đã thoát khỏi nguy hiểm nhưng vẫn cần điều trị tích cực.

Cũng theo BS.CKII Phạm Thái Sơn từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng “tấn công” trẻ nhỏ, nhiều nhất là trẻ từ 5-15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em (25%-35%).

Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, một trẻ đang khỏe mạnh bắt đầu với sốt cao 39-40oC, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

Cứ 3 trẻ mắc viêm não Nhật Bản thì có 1 trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng, phần còn lại các triệu chứng cải thiện dần, có thể mất vài tháng để phục hồi hoàn toàn và một nửa trong số đó có thể bị tổn thương não vĩnh viễn.

Do đó, việc nhận biết các triệu chứng bệnh có vai trò quan trọng đối với khả năng sống còn của bệnh nhân. “Điều nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ các triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nâng cao thể chất, sức khỏe của trẻ. Vì vậy, công tác phòng bệnh bằng cách tiêm chủng cho trẻ là quan trọng nhất”, BS Sơn nhấn mạnh.

HƯƠNG SƠN