Vì sao hải quân Mỹ cắt giảm đơn đặt hàng mua máy bay tiêm kích F-35C?
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:46, 05/07/2022
F-35C là phiên bản dùng trên tàu sân bay của máy bay tiêm kích F-35, do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, vốn được quảng cáo là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, là “loại máy bay có mức giá hợp lý nhất, có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”.
Trang mạng Defense News mới đây dẫn lời nữ phát ngôn viên của hải quân Mỹ Courtney Hillson cho biết, Tập đoàn Lockheed Martin có thể cung cấp tối đa 30 chiếc F-35C mỗi năm cho lực lượng này. Tuy nhiên, hải quân Mỹ chỉ yêu cầu 9 chiếc F-35C trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 và trong dự báo chi tiêu của vài năm tiếp theo là 15 chiếc F-35C mỗi năm.
Máy bay tiêm kích F-35C trên tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson (CVN-70) của hải quân Mỹ hồi tháng 1-2022. Ảnh: US Navy |
Phát biểu với các nghị sĩ Mỹ, giới chức cấp cao của hải quân Mỹ đều tuyên bố, các vấn đề liên quan tới dịch Covid-19, trong đó có việc gián đoạn chuỗi cung ứng, là nguyên nhân khiến lực lượng này đề xuất mua ít máy bay F-35C hơn trong tài khóa tới so với con số 15 chiếc của tài khóa 2022 hiện nay.
“Tôi đặc biệt quan ngại với khả năng bàn giao các máy bay F-35 của ngành công nghiệp quốc phòng. Với tôi, đây là mối lo ngại lớn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên đầu tư nếu như trên thực tế chúng ta không thể bảo đảm những máy bay này được bàn giao đúng thời hạn cho hải quân Mỹ. Trong ngắn hạn, số tiền đó nên được sử dụng vào những việc khác hữu ích hơn cho đến khi nào ngành công nghiệp quốc phòng khắc phục được các vấn đề về chuỗi cung ứng và bắt đầu bàn giao đơn hàng với tốc độ nhanh hơn”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ tuyên bố, nếu không vì các vấn đề về chuỗi cung ứng, lực lượng này lẽ ra đã đề nghị mua 100 chiếc F-35C trong 5 năm tới, tương đương 20 chiếc/năm, tức là vẫn ít hơn năng lực sản xuất tối đa của Tập đoàn Lockheed Martin.
Trang mạng Defense News cho biết, phát biểu của Bộ trưởng Del Toro và Đô đốc Gilday mới chỉ là “một nửa câu chuyện” và có hai nguyên nhân chính để hải quân Mỹ quyết định cắt giảm mua sắm các máy bay F-35C.
Nguyên nhân thứ nhất là hải quân Mỹ cần nguồn tài chính cho các ưu tiên khác của lực lượng này. Đô đốc Gilday và các quan chức cấp cao khác của hải quân Mỹ trước đây từng nhiều lần đề cập tới việc đầu tư vào các tên lửa chống hạm, vũ khí siêu thanh... trên cơ sở cắt giảm một số chương trình mua sắm hoặc quyết định “cho về vườn” sớm một số tàu chiến.
Một nguyên nhân khác quan trọng không kém là giới chức cấp cao của hải quân Mỹ tin rằng, số lượng các máy bay tiêm kích hiện có trong biên chế của lực lượng này-gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 F/A-18E/F Super Hornet và F-35C - đang trong tình trạng “khỏe mạnh nhất” trong hai thập niên qua. Điều đó cũng đồng nghĩa tình trạng thiếu hụt máy bay tiêm kích mà hải quân Mỹ từng tuyên bố “có thể được kéo dài một cách an toàn” tới năm 2031.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang mạng Defense News hồi tháng 2-2022, Phó đô đốc Kenneth Whitesell, chỉ huy Lực lượng Không quân của Hải quân Mỹ cho biết, hải quân Mỹ từng đặt mục tiêu 341 trong số hơn 500 chiếc F/A-18E/F Super Hornet hiện có trong biên chế đủ khả năng thực thi nhiệm vụ nhưng sau đó đã nâng mục tiêu lên 360 chiếc. Hải quân Mỹ đã “nhiều lần” đạt được mục tiêu 360 chiếc F/A-18E/F Super Hornet đủ khả năng thực thi nhiệm vụ và “thường xuyên” ghi nhận các con số trong phạm vi 350 chiếc, mặc dù số liệu chính xác thay đổi từng ngày.
Nữ phát ngôn viên Hillson khẳng định với trang mạng Defense News rằng, thành công trong việc nâng cao tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ của các máy bay tiêm kích trong biên chế hiện có đã tạo điều kiện để hải quân Mỹ dễ dàng đưa ra quyết định.
“Trong quá trình xây dựng đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 và cân đối các ưu tiên, hải quân Mỹ xác định rằng có thể quản lý được tình trạng thiếu máy bay tiêm kích trong một khoảng thời gian dài, xét tới năng lực của các máy bay tiêm kích hiện có. Đây là động lực cho những quyết định có liên quan trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023. Các máy bay tiêm kích hiện có của hải quân Mỹ đang “khỏe mạnh nhất” trong 20 năm qua. Hải quân Mỹ cam kết tình trạng thiếu máy bay tiêm kích sẽ được thu hẹp vào năm 2031”, bà Hillson nêu rõ.
Theo Defense News, cho đến nay, Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Phân bổ ngân sách của Hạ viện cũng như Ủy ban Quân vụ của Thượng viện “dường như ủng hộ” kế hoạch mua 9 chiếc F-35C trong tài khóa 2023 của hải quân Mỹ.
HOÀNG VŨ