"Thành trì" Lysychansk thất thủ: Bước ngoặt trong xung đột Nga - Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:26, 05/07/2022

Việc kiểm soát thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lysychansk cho phép Nga nắm gần như hoàn toàn tỉnh Lugansk, tạo bàn đạp tấn công Donetsk. Một thế trận mới do vậy cũng bắt đầu hình thành.

"THÀNH TRÌ" LYSYCHANSK THẤT THỦ: BƯỚC NGOẶT TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Việc kiểm soát thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lysychansk cho phép Nga nắm gần như hoàn toàn tỉnh Lugansk, tạo bàn đạp tấn công Donetsk. Một thế trận mới do vậy cũng bắt đầu hình thành.

THÀNH TRÌ LYSYCHANSK "THẤT THỦ"

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/7 thông báo, quân đội nước này đã kiểm soát Lysychansk, thành phố chiến lược cuối cùng ở tỉnh Lugansk, vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong báo cáo mới nhất lên Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, Ukraine đã mất khoảng 2.000 binh sĩ, trong khi 5.000 quân nhân khác bị thương trong trận chiến Lysychansk. Trong trận chiến này, Nga kiểm soát 670 km2 lãnh thổ, phá hủy 196 xe tăng, xe thiết giáp, 12 máy bay, 1 trực thăng, 65 máy bay không người lái, 6 hệ thống tên lửa tầm xa và hàng loạt khí tài khác của Ukraine.

Ukraine xác nhận, việc rút quân khỏi Lysychansk là có chủ ý nhằm hạn chế thương vong cho binh sĩ. Ukraine đang bị Nga áp đảo cả về số lượng binh sĩ và hỏa lực. Một quan chức quân đội nước này đánh giá, số hỏa lực của Nga hiện gấp 15 lần của Ukraine. Do vậy, chiến thuật của quân đội Ukraine lúc này là rút quân có chiến lược để tránh bị bao vây, hạn chế thương vong trong lúc chờ thêm viện trợ vũ khí hạng nặng từ phương Tây.

Trận chiến khốc liệt nhiều tuần qua ở Donbass, khiến Ukraine gánh "tổn thất đau đớn". Theo lời giới chức Ukraine, quân đội nước này thiệt hại 100-200 binh sĩ mỗi ngày, trong khi Severodonetsk và Lysychansk trở thành "những thành phố chết" với 90% hạ tầng bị phá hủy.

Thành trì Lysychansk thất thủ: Bước ngoặt trong xung đột Nga - Ukraine - 1

Lysychansk liên tục bị bắn phá trong nhiều tháng (Ảnh: AFP).

Để chiếm được Lysychansk và Severodonetsk, lực lượng Nga đã tiến quân từ nhiều hướng, dần khép vòng vây với quân đội Ukraine, tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh khiến nỗ lực cố thủ trong đô thị của Ukraine thất bại. Moscow được cho là sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này trong các giai đoạn sắp tới ở chiến trường miền Đông.

Lysychansk "thất thủ" chỉ 2 tuần sau khi Ukraine cũng rút lực lượng khỏi thành phố "sinh đôi" Severodonetsk bên kia sông Donets. Đây là 2 thành phố vốn được ví là những chốt chặn cuối cùng để ngăn đà tiến công của Nga. Chiếm được 2 thành phố chiến lược này đồng nghĩa Moscow kiểm soát gần như hoàn toàn tỉnh Lugansk, tạo bàn đạp để tấn công, bao vây Donetsk, tỉnh còn lại của Donbass. Kiểm soát vùng công nghiệp Donbass được coi là mục tiêu trọng tâm của Nga sau khi kế hoạch bao vây Kiev ở giai đoạn đầu chiến dịch thất bại.

LỢI THẾ LỚN CHO NGA

Cùng với Severodonetsk, Lysychansk có vai trò chiến lược bởi các thành phố này kết nối Donbass với các vùng khác của Ukraine. Trọng tâm là tuyến đường cao tốc giữa Lysychansk và Bakhmut được coi là tuyến đường tiếp tế huyết mạch cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, đây cũng là con đường để sơ tán dân thường trước khi trở thành mục tiêu bắn phá.

Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga của trung tâm CNA có trụ sở tại Virginia (Mỹ), nhận định Lysychansk là 1 trong 3 thành phố mà Nga nhất định phải chiếm được nếu muốn kiểm soát Donbass, đặc biệt khi Moscow muốn cô lập quân đội Ukraine ở đó với các tuyến đường tiếp tế ở phía tây.

Thành trì Lysychansk thất thủ: Bước ngoặt trong xung đột Nga - Ukraine - 2

Nga đang dồn lực lượng cho mặt trận miền Đông Ukraine (Đồ họa: Guardian).

Theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, Lysychansk là một chiến thắng quan trọng với Nga, giúp họ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk và tái củng cố lực lượng để chuẩn bị cho một chiến dịch mới. Dỡ bỏ "chốt chặn" Lysychansk, kiểm soát Lugansk giúp Nga bố trí lực lượng xa hơn về phía tây và phía nam, về phía thành phố Kramatorsk ở Donetsk, một trong những thành phố lớn cuối cùng ở Donbass còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, nơi có nhiều mỏ khoáng sản và vùng canh tác rộng lớn.

Nếu Kramatorsk thất thủ, Nga về cơ bản có thể kiểm soát hoàn toàn Donbass, tạo ra bước ngoặt cho hoạt động hậu cần. Khi đó, Nga cũng có thể tuyên bố chiến thắng và coi đó là đòn bẩy cho bất cứ đàm phán hòa bình nào trong tương lai với Ukraine.

Ngoài ra, việc nắm giữ Donbass cũng sẽ mở rộng hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến miền Đông Ukraine. Đây cũng là lý do chính khiến thành phố cảng phía nam Mariupol của Donetsk đã trở thành tâm điểm cho các cuộc tấn công của Nga trước đó.

Hành lang trên bộ này cho phép Nga bắt đầu chuyển hàng hóa đến Mariupol, Berdiansk và Kherson, các thành phố cảng phía Đông Nam Ukraine hiện do Nga kiểm soát. Việc thiết lập hành lang trên bộ đến Crimea diễn ra trong bối cảnh Nga đang tìm cách kiểm soát sâu hơn đối với nhiều lĩnh vực ở miền Nam Ukraine, bao gồm cả sử dụng đồng rúp, thay đổi liên lạc di động sang các mạng của Nga và cấp hộ chiếu Nga.

Donbass vốn là vùng đất tập trung vào các ngành công nghiệp của Ukraine, với các mỏ than đá, luyện kim. Nga có thể tiếp cận khối tài nguyên này nếu kiểm soát hoàn toàn Donbass. Phe ly khai được Nga hậu thuẫn đã kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ Donbass kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các vùng này đã lập ra hai nhà nước "ly khai". Kể từ đó đến nay, các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.

THẾ TRẬN MỚI, THÁCH THỨC MỚI

Kiểm soát Severodonetsk và Lysychansk đồng nghĩa Nga có thể bố trí lực lượng để tiến hành các đợt tấn công mới nhằm vào các thành phố ở phía tây nam thuộc tỉnh Donetsk, đặc biệt là Sloviansk, Kramatorsk và Bakhmut.

Sau khi củng cố lực lượng, Moscow nhiều khả năng sẽ bắt đầu đợt tấn công mới, nhắm vào trung tâm chiến lược của quân đội Ukraine ở thành phố Bahkmut, phía nam Lysychansk. "Theo hướng Bakhmut, đối phương đang tăng cường pháo kích các vị trí của chúng tôi dọc đường liên lạc", Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.

Nga cũng có thể mở các mũi tiến công mới bao vây 2 thành phố công nghiệp lớn của tỉnh Donetsk gồm Sloviansk và Kramatorsk, nằm cách Lysychansk khoảng 80 km. Hai thành phố này thực tế đã liên tục bị pháo kích, bắn phá nhiều tuần qua.

"Ở hướng Sloviansk, các đơn vị của đối phương đang tìm cách thiết lập kiểm soát các khu dân cư Bohorodychne, Mazanivka và Dolyna thông qua các hoạt động tấn công", bản đánh giá cập nhật tình hình chiến sự miền Đông sáng 4/7 của quân đội Ukraine cho biết.
"Đối phương (Nga) đang tái tập hợp lực lượng để nối lại hoạt động tấn công. Một nhóm tác chiến tiểu đoàn của Nga đã được điều động từ Izyum đến khu vực Snizhkivka, đồng thời triển khai thêm các đơn vị pháo binh", thông cáo cho hay.

Thành trì Lysychansk thất thủ: Bước ngoặt trong xung đột Nga - Ukraine - 3

Sau khi kiểm soát Lugansk, Nga sẽ chuyển trọng tâm sang Donetsk, nơi quân đội Ukraine hy vọng có thể lật ngược tình thế nhờ vũ khí phương Tây (Ảnh: Reuters).

Sau khi kiểm soát Lysychansk, thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lugansk, Nga hiện nắm gần như hoàn toàn tỉnh Lugansk. Chuyên gia phân tích quốc phòng Konrad Muzyka, Giám đốc công ty tư vấn Rochan có trụ sở tại Ba Lan nhận định: "Nga đang kiểm soát khoảng 97% pháo đài Lugansk. Một khi họ nắm giữ hoàn toàn Severodonetsk và tiếp đến là Lysychansk, họ có khả năng hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự. Đây là điều vô cùng quan trọng xét theo quan điểm của Moscow".

Reuters bình luận: "Nga kiểm soát Lysychansk đánh dấu kết thúc một trong những trận chiến lớn nhất ở châu Âu hàng chục năm trở lại đây và cũng đánh dấu thắng lợi lớn nhất của Nga kể từ khi kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng Mariupol của Ukraine hồi cuối tháng 5.

Theo các chuyên gia quân sự, diễn biến này đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến ở Ukraine, không phải chỉ do ý nghĩa chiến lược của 2 thành phố bị "thất thủ", mà còn bởi những tổn thất lớn có thể ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu trong tương lai của cả 2 bên.
Mặc dù vậy, ông Muzyka nhấn mạnh, ngay cả khi kiểm soát thành công Severodonetsk và Lysychansk, quân đội Nga vẫn phải tiến công một cách chậm chạp, chưa thể tạo ra đột phá.

"Tôi cho rằng, kiểm soát Lysychansk là một thắng lợi chiến thuật của Nga, nhưng với cái giá không hề nhỏ", Neil Melvin, chuyên gia phân tích tại tổ chức RUSI có trụ sở tại London, bình luận. Theo ông, kiểm soát Lugansk chỉ là một phần mục tiêu mà Nga đã đề ra khi mở giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự tại Ukraine, song Moscow đã phải huy động gần như tối đa lực lượng và phải mất gần 60 ngày để đạt được.

Mặc dù áp đảo về binh sĩ và hỏa lực, nhưng Nga được cho là cũng tổn thất không nhỏ khi quân đội Ukraine cầm cự nhiều tháng liền ở Severodonetsk, Lysychansk. Kiev buộc Moscow phải tăng thêm binh sĩ và khí tài đến khu vực, tiêu thụ đạn dược với tốc độ kinh ngạc. Ukraine cũng khiến Nga phải phân tán nguồn lực bằng cách phản công ở các khu vực miền Nam như Kherson.

Một số nhà phân tích nhận định, tất cả những yếu tố đó đã làm giảm sức mạnh của Nga ở những nơi khác và có thể cho Ukraine thêm thời gian để triển khai các vũ khí mạnh hơn, tầm xa hơn do phương Tây cung cấp.

"Một khi vũ khí phương Tây ra tiền tuyến càng nhiều, bức tranh sẽ càng thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine", ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nhấn mạnh.

Ông Arestovych cũng cho rằng, xét về chiến lược, Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong chiến dịch sau Lysychansk. "Những vị trí tiền tuyến sẽ trải ngang hơn và sẽ giao tranh chính diện hơn là từ bên sườn", Reuters dẫn lời quan chức Ukraine. Khi đó, Nga sẽ phải tập trung vào việc giành quyền kiểm soát 6 thành phố khác tại vùng Donbass nên lực lượng Nga sẽ bố trí mỏng hơn do phải phân tán.

Ngược lại, theo chuyên gia Rob Lee của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, việc dịch chuyển phòng tuyến sau khi mất Severodonetsk và Lysychansk có lợi hơn cho Ukraine. "Ukraine dễ dàng bảo vệ phòng tuyến đó bằng pháo tầm xa và các hệ thống phòng không tầm xa, nghĩa là họ có thể sử dụng nó để yểm trợ cho lực lượng chiến đấu tại đây", ông Lee nhận định.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine chuyển trọng tâm sang Donbass với mức độ khốc liệt hơn, Mỹ và các đồng minh bắt đầu cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng tầm xa như pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Những vũ khí này giúp Ukraine tấn công vào sâu bên trong phòng tuyến của Nga, mặt khác cũng giúp Kiev hạn chế tổn thất khi khoảng cách chiến đấu được nới rộng.

Vũ khí phương Tây được cho là sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định cục diện xung đột trong những tháng tới. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã đổ hàng tỷ USD khí tài hiện đại vào Ukraine. Kiev đang kêu gọi những nước này viện trợ nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, binh sĩ Ukraine cần thời gian huấn luyện để vận hành hệ thống vũ khí mới, do vậy, chưa thể chắc chắn chúng có kịp chuyển đến các đơn vị quân sự của Ukraine để tạo ra đột phá hay không.

Minh Phương
Theo New York Times, Guardian

05/07/2022