'Cần nhìn nhận kết quả kỳ thi chỉ có tính tham khảo trong đánh giá năng lực một đứa trẻ'
Xã hội - Ngày đăng : 20:31, 04/07/2022
Ông Bùi Phương Việt Anh nêu quan điểm, việc đo lường năng lực của một đứa trẻ qua kết quả trong các kỳ thi là phi giáo dục, mang lại nhận thức lệch lạc, gây lãng phí cho phát triển nguồn nhân lực. (Ảnh: NVCC) |
Nhiều người cho rằng, các bạn trẻ dường như đang phải sống trong một nền văn hóa thi cử, nơi mà những cơ hội của chúng ta bị quyết định một phần bởi điểm số của những cuộc thi. Ông nhận định thế nào về vấn đề này này?
Cần phải nhìn nhận hai việc thật tách bạch.
Một là, giáo dục cần tuân thủ các nguyên tắc giáo dục là có quy trình, chương trình, đánh giá và kiểm định nên việc thi hay kiểm tra là việc hết sức bình thường.
Thứ hai, việc đánh giá và thi đã được làm đúng với mục tiêu của nó đề ra chưa hay chỉ làm vì hình thức hay máy móc dẫn đến căn bệnh thành tích đơn thuần?
Việc xa rời mục tiêu của giáo dục sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ mà chúng ta và nhiều thế hệ sau này sẽ phải trải qua. Nếu nói rằng, hiện nay các bạn học sinh dường như đang phải sống trong một nền văn hoá thi cử là chưa thoả đáng.
Bởi lẽ, như đã nói ở trên, đánh giá và kiểm tra là yêu cầu của giáo dục, nó cần được thống nhất và làm một cách khoa học nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh thích kiểu giáo dục hình thức, thích thành tích, so sánh gây ra “cuộc đua” phi học thuật, làm cho áp lực cuộc sống tăng lên. Từ đó, khiến những đứa trẻ gánh thêm quá nhiều áp lực và luôn phải gồng mình để thực hiện những chỉ tiêu của người lớn ngay từ những năm cấp một, đặc biệt là cuối cấp.
Do vậy, việc căng thẳng tâm lý trong giới trẻ và học sinh đang chịu đựng là biểu hiện của sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận phụ huynh, biến những việc làm bình thường thành công cụ thoả mãn sự đòi hỏi cá nhân, "sính" thành tích của mình đối với con trẻ.
Góc nhìn của ông thế nào về những áp lực thi cử hiện nay? Những kỳ thi dường như ngày càng trở nên căng thẳng hơn, vì sao?
Khi đời sống xã hội càng phát triển đòi hỏi mỗi cá nhân và tổ chức phải thích ứng với nó là tất yếu. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh đã áp đặt lối sống, mục tiêu học tập cho con em mình mà không quan tâm đến năng lực, sở thích, sở trường của con, gây ra nhiều sự việc đáng tiếc thời gian qua.
"Cần nhìn nhận kết quả học tập chỉ có tính tham khảo trong đánh giá năng lực thật sự của con người. Việc cha mẹ cố thúc ép con cái dựa trên tình yêu, sự lo lắng đã vô tình bộc lộ hạn chế của chính họ, nên họ chính là người cần phải thay đổi trước". |
Một nguyên nhân nữa cũng đến từ mô hình quản trị giáo dục và việc truyền thông bị lệch, hiểu không đúng về thành tích học tập, thi cử, tạo ra quan niệm hết sức phi khoa học đối với con trẻ và giáo dục hình thành lên các bệnh thành tích.
Nên nhớ, nhu cầu thành công, con cái học giỏi là chính đáng nhưng nếu chúng ta bất chấp để đòi hỏi các con phải làm cho được là phi giáo dục, thậm chí là phản tác dụng.
Điểm số của một kỳ thi đồng nghĩa với giá trị của một người. Vì thế, không ít bạn trẻ cảm thấy rất áp lực khi thi trượt. Vậy trong giai đoạn nhạy cảm này, gia đình nên quan tâm các em thế nào để tạo động lực chứ không phải áp lực?
Tôi cho rằng, trước hết các bậc cha mẹ cần phải bình tĩnh để nhìn nhận lại. Có rất nhiều cách để thành công và giáo dục là một cách. Từ đó, cần nhìn nhận kết quả học tập, kết quả trong các kỳ thi chỉ có tính tham khảo trong đánh giá năng lực thật sự của con người.
Việc cha mẹ cố thúc ép con cái dựa trên tình yêu, sự lo lắng đã vô tình bộc lộ hạn chế của chính họ, nên họ chính là người cần phải thay đổi trước.
Thứ hai, cũng cần có chính sách thúc đẩy cải tiến phương thức tuyển dụng, vấn đề công nhận kết quả học tập để sự hình thức và thành tích khó có cơ hội phát triển thành trào lưu như hiện nay.
Các gia đình cần phải hiểu rằng, tạo ra môi trường gia đình đủ an toàn, đủ thân thiện, tràn ngập yêu thương đúng nghĩa với sự tôn trọng có tính văn hóa để các con được quyền sống theo mong muốn và năng lực trên cơ sở tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô... Chứ đứa trẻ không phải chịu áp lực so sánh “con nhà người ta” hoặc chạy theo ước mơ của cha mẹ đơn thuần.
Nhiều đứa trẻ đang phải gánh trên vai quá nhiều áp lực. (Nguồn: TT) |
Theo ông, sẽ có những hệ lụy gì khi đo lường năng lực và giá trị của một đứa trẻ bằng điểm số?
Thực tế và cả khoa học đã chứng minh, đo lường năng lực và giá trị của một đứa trẻ bằng điểm số là cách làm mang tính hạn chế. Bởi trong giáo dục, điểm số và thành tích mang tính chủ quan của nhà giáo dục áp dụng cho mục tiêu giáo dục là cấp bằng.
Vậy nên, nó sẽ khó phù hợp nếu cuộc sống cần tính thực tế cao để thích ứng. Nếu nền giáo dục tốt sẽ kéo khoảng cách giáo dục và thực tế rất gần nhau.
Hệ luỵ của việc đo lường giá trị của đứa trẻ bằng điểm số tất nhiên mang lại nhận thức lệch lạc, gây lãng phí cho phát triển nguồn nhân lực, gây khó khăn cho nhân lực tiếp cận với thị trường lao động quốc tế trong hội nhập.
Đặc biệt, nó gây tiêu cực trong nhận thức và văn hoá xã hội bị đẩy vào trào lưu, áp lực không đáng có, thậm chí gây ra những sự việc đáng buồn.
Cần những giải pháp nào để không còn những chuyện buồn sau mỗi mùa thi và trách nhiệm của gia đình đến đâu trong chuyện này?
Để ngăn chặn những hệ luỵ của việc thi cử thì chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hệ thống và mang tính học thuật giáo dục cũng như sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, nhà quản trị giáo dục.
Đặc biệt, ngành giáo dục cần hướng đến giáo dục thực chất, giáo dục văn minh, giáo dục hiệu quả, giáo dục văn hoá và giáo dục con người theo kịp với mục tiêu phát triển của đất nước, bên cạnh chăm lo đời sống tâm sinh lý của học sinh.
Đối với gia đình, nơi trực tiếp cùng với nhà trường giải toả các áp lực tâm lý cũng như ngăn chặn điều đáng tiếc xảy ra đối với các em, nên các bậc cha mẹ cũng cần được giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, có kỹ năng định hướng nghề nghiệp.
Đặc biệt, cả cha mẹ và thầy cô đều cần tư duy văn hoá tôn trọng sự khác biệt với con cái, học sinh, để khuyến khích các em hơn là đặt lên vai các em những kỳ vọng gây áp lực quá mức cho các em.
Làm sao để giải tỏa áp lực thi cử, theo ông?
Giáo dục đóng vai trò chủ quan trong việc hình thành các áp lực xã hội. Nhưng từ góc độ quản trị, thì chính sách giáo dục cũng cần phải điều chỉnh để tạo cơ chế đủ mạnh cho một nền giáo dục minh bạch, hiệu quả và thực chất, theo đúng chủ trương "học thật, thi thật, nhân tài thật". Điều này sẽ làm triệt tiêu áp lực thi cử cho trẻ, bởi việc thay đổi cách đánh giá sẽ thay đổi cách dạy và cả cách học tập. Do vậy, đây là điều cần được nghiêm túc đánh giá và thực hiện.
Xin cảm ơn ông!