BA.5 xuất hiện, số ca mắc Covid-19 diễn biến nặng tăng nhẹ

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:39, 04/07/2022

Sau khi Bộ Y tế ghi nhận biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, số ca mắc Covid-19 cùng những ca phải thở oxy cho thấy xu hướng tăng nhẹ.

Vừa qua, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thông tin biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam. Tại Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng xác nhận thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ này.

Theo những thông tin hiện nay, BA.5 có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng trước đó như BA.1, BA.2. Tuy nhiên, mức độ nặng của bệnh do chúng gây ra có tăng hay không vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

Trên thực tế những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam cho thấy có dấu hiệu tăng nhẹ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với số lượng người nhiễm nCoV phải nhập viện, thở oxy.

Số ca mắc tăng nhẹ


Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 26/6 đến 1/7, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận sau 24 giờ đã tăng từ 557 lên tới 927 trường hợp. Tuy nhiên, trong 2 ngày gần nhất là 2/7 và 3/7, số lượng này lại nhanh chóng giảm dần về mốc hơn 500 ca.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng thông tin đến nay, cả nước có 29 trường hợp mắc Covid-19 đang phải thở oxy. Trong đó, 23 người thở oxy qua mặt nạ, 3 ca thở oxy dòng cao HFNC và 3 trường hợp phải thở máy xâm lấn.

covid-19-1.jpg

Thống kê số ca mắc Covid-19 hàng ngày trên cả nước. Ảnh: Bộ Y tế.

Khoảng cuối tháng 6 vừa qua, số lượng này đã có ngày giảm về mốc 16 ca/ngày (26/6).

Theo ghi nhận của PV, vài tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở y tế tuyến đầu tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nặng - có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện có 2 khoa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 là khoa Virus - Ký sinh trùng và khoa Hồi sức tích cực. Trong đó, khoa Hồi sức tích cực là đơn vị phục vụ những trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch.

Tại đây, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cũng xác nhận số trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng phải chuyển lên khoa có dấu hiệu tăng nhẹ trong thời gian gần đây.

Theo ông, cách đây một tháng, khoa Hồi sức tích cực mỗi ngày chỉ phải tiếp nhận khoảng 1-2 trường hợp diễn biến nặng, thời điểm cả nước đã qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, con số này ở thời điểm hiện tại tăng lên 4-5 ca/ngày.

Cụ thể, bác sĩ Phúc cho biết khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho tổng cộng 18 bệnh nhân Covid-19. Tất cả trường hợp đều diễn biến nặng và nguy kịch. Trong đó, 10 bệnh nhân đang phải can thiệp thở máy.

“Hầu hết trường hợp này là người cao tuổi, có bệnh nền như suy gan, HIV hay tiền sử ghép tạng”, bác sĩ Phúc nói.

Lý giải về tình trạng số ca mắc Covid-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng, bác sĩ Phúc cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc dịch Covid-19 hạ nhiệt khiến nhiều cơ sở y tế điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 đã đóng cửa. Từ đây, số lượng bệnh nhân dồn về cơ sở y tế này tăng lên.

“Một nguyên nhân khác là nhiều người đã suy giảm khả năng miễn dịch trước SARS-CoV-2 khi thời gian của mũi vaccine trước quá 6 tháng. Những trường hợp này có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn và khả năng diễn biến nặng cũng cao hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Cuối cùng, bác sĩ Phúc cho rằng việc SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, hình thành các biến chủng mới cũng ảnh hưởng tới tình trạng này.

“Trong khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện, khả năng phòng ngừa của vaccine với mỗi biến chủng lại khác nhau. Do đó, khi nhiễm biến chủng mới, không loại trừ khả năng bảo vệ của vaccine có thể bị giảm xuống”, bác sĩ Phúc nói.

covid-19-2.jpg

Việc tiêm vaccine cùng các phương pháp dự phòng cá nhân linh hoạt vẫn đóng vai trò quan trọng trong phòng dịch Covid-19, ngay cả với biến chủng mới. Ảnh: Thạch Thảo.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Giải pháp về việc tiêm vaccine cũng vẫn hữu hiệu khi chúng ta so sánh 2 đợt dịch ở 2 miền thời gian qua. Số lượng ca mắc phải nhập viện, diễn biến nặng và tử vong ở giai đoạn sau, tại miền Bắc, thấp hơn nhiều dù biến chủng có thay đổi”.

Cùng quan điểm, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch với những biến chủng Covid-19 khác nhau. Ông thừa nhận mỗi loại vaccine có hiệu quả đáp ứng cũng như kháng thể khác nhau với từng loại biến chủng. Tuy nhiên, nhìn chung, vaccine vẫn có tác dụng giảm ca bệnh diễn biến nặng, phải nhập viện hay tử vong.

Về nguy cơ từ biến thể phụ BA.5 khi xâm nhập vào Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết chúng có một số đặc điểm tương tự các biến chủng phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, khả năng để BA.5 làm tăng số người mắc phải nhập viện và tử vong là ít hơn nhiều so với biến chủng Delta.

Ông thông tin: “Các nhà khoa học ước lượng rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ lây nhiễm cho khoảng từ 5 đến 30% dân số tùy theo tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19”.

Do ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm vaccine hiện khá cao, PGS Dũng ước lượng tỷ lệ nhiễm biến chủng phụ này sẽ thấp hơn 5%.

“Như vậy, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc Covid-19 và tạo ra một làn sóng dịch nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Làn sóng dịch này cũng sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây”, PGS Dũng dự đoán.

Trong bối cảnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng dù các biến chủng mới xuất hiện, các biện pháp phòng bệnh Covid-19 vẫn không thay đổi.

“SARS-CoV-2 vẫn là virus lây lan qua hình thức giọt bắn. Do đó, việc dự phòng cá nhân và vaccine là vấn đề quan trọng”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh các biện pháp dự phòng cá nhân trong bối cảnh hiện nay cần linh hoạt hơn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.