Voọc xám liều mình trèo dây điện và cái kết suýt mất mạng
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:57, 04/07/2022
Một đoạn clip ngắn được quay ở Bangladesh cho thấy con voọc xám trình diễn khả năng leo dây điện ấn tượng của mình, dù tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến mất mạng. Có thể thấy con vật với bộ dạng rất lanh lợi, dường như đã quen với việc này trước đây.
Tuy nhiên không may cho voọc, khi nó đã trèo tới cuối đường dây và cố nhảy sang phần cột thì lập tức bị dòng điện truyền qua cơ thể. Dòng điện đã tạo ra tia lửa điện kèm theo một tiếng nổ lớn, trước khi khiến voọc bị hất ngã, lộn nhiều vòng và rơi xuống đất.
Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng trên, hai người quay lại đoạn clip đã lao nhanh tới và bắt gặp chú voọc hoàn toàn bất tỉnh sau khi đáp xuống một vũng nước ở gần đó.
Ngay ở bên cạnh, một con voọc khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự, với cặp mắt mở to một cách đầy kinh hoàng. Sau một hồi được sơ cứu và di chuyển tới khu vực an toàn, hai chú voọc vẫn chưa thể ngồi dậy, nhưng khả năng cao là chúng sẽ sống sót sau cú tai nạn chết người.
Voọc xám (Trachypithecus phayrei) là một loài vượn đuôi dài sống chủ yếu ở vùng Đông Nam Á, cùng với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đặc điểm của chúng là có bộ lông màu tro xám nâu trên lưng. Phía bụng thì có lông trắng, trong khi lông trên đầu và đuôi đậm hơn.
Đây là loài sinh sống hoàn toàn trên cây, nên kỹ năng leo trèo của chúng rất tốt. Thức ăn của chúng chủ yếu là lá cây, và ít xung đột với các loài khác trong khu vực.
Tuy nhiên do sự phát triển của con người, cụ thể là nạn săn bắt tràn lan, phá rừng làm đất trồng trọt và sự phát triển du lịch ồ ạt đã khiến môi trường sống của loài voọc đã bị thu hẹp đáng kể, và chúng thường xuyên phải tiến vào các bản, làng, đô thị... để kiếm ăn.
Việc hai chú voọc trong đoạn clip bị điện giật cũng là một trong những hệ quả đáng tiếc khi chúng buộc phải thích nghi và đối mặt với nguy hiểm khi sống gần khu vực dân cư.
Sách đỏ IUCN ghi nhận voọc xám là động vật nguy cấp, cần được bảo tồn khi quần thể của chúng liên tục bị đe dọa nghiêm trọng và đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong đó, cá biệt có phân họ voọc Cát Bà (còn gọi là voọc đầu vàng) nằm ở hạng mục "Cực kỳ nguy cấp", và rất gần với tuyệt chủng.
Tại sao chim, khỉ... đậu trên dây điện nhưng không phải lúc nào cũng bị giật?
Chúng ta thường xuyên nhìn thấy những chú chim nhỏ đậu thành từng đàn trên dây điện, đặc biệt trên những đường dây điện trung thế và cao thế nhưng lại không bị điện giật. Trong một số trường hợp khác, khỉ, vượn... cũng có thể leo dây điện mà không hề hấn gì.
Lý do những loài vật này không bị giật điện là do chúng chỉ bám, hoặc đậu trên 1 dây điện. Lúc này, cơ thể của chúng chỉ tiếp xúc với 1 dây nên không cấu thành mạch điện, và không có dòng điện truyền qua cơ thể, dẫn tới không bị điện giật.
Tuy nhiên với các loài chim ăn thịt có kích thước lớn như diều hâu, đại bàng, chim ưng... hay động vật linh trưởng khác nếu không cẩn thận, chạm vào cả 2 sợi dây điện một lúc thì sẽ tạo ra mạch điện tuần hoàn, và vẫn sẽ bị điện giật chết.
Trong đoạn clip, con voọc xấu số cũng đã mắc phải điều này, khi chạm cùng lúc vào đường dây điện và thanh kim loại chắn ngang, khiến nó chịu hậu quả không thể tránh khỏi.