Phát hiện 900 loài vi khuẩn trong sông băng: Lo ngại đại dịch mới
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:43, 03/07/2022
Sông băng Tây Tạng nhìn từ vệ tinh |
Các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra hơn 900 loài vi khuẩn chưa từng thấy sống bên trong các sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng. Phân tích bộ gien của vi sinh vật cho thấy, một số loài có khả năng sinh ra đại dịch mới, nếu sự tan chảy nhanh chóng của băng do biến đổi khí hậu sẽ giải phóng chúng khỏi "nhà tù băng giá".
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc đã lấy mẫu băng từ 21 sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự ADN của các sinh vật cực nhỏ bên trong băng, tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ về bộ gien vi sinh vật mà họ đặt tên là danh mục Bộ gien và gien sông băng Tây Tạng (TG2G). Đây là lần đầu tiên một cộng đồng vi sinh vật ẩn trong sông băng được giải trình tự gien.
Các vi khuẩn bị đóng băng trên các sông băng có thể gây ra đại dịch toàn cầu. |
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 968 loài vi sinh vật bị đóng băng trong băng - chủ yếu là vi khuẩn nhưng cũng có tảo, vi khuẩn cổ và nấm, theo nghiên cứu đăng ngày 27/6 trên tạp chí Nature Biotechnology.
Đáng ngạc nhiên hơn, khoảng 98% những loài này hoàn toàn mới đối với khoa học.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy sự phong phú đáng ngạc nhiên của vi sinh vật sống trong các sông băng ở Tây Tạng. Vào tháng 1 năm 2020, một nhóm phân tích lõi băng từ một sông băng đã phát hiện ra 33 nhóm vi rút khác nhau sống trong băng, 28 trong số đó chưa từng được nhìn thấy trước đây.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự đa dạng vi sinh vật trong các sông băng, cùng với sự gia tăng băng tan do biến đổi khí hậu, làm tăng khả năng các vi sinh vật nguy hiểm tiềm ẩn - rất có thể là vi khuẩn - sẽ thoát ra ngoài và tàn phá. Các tác giả viết: "Các vi khuẩn gây bệnh bị cuốn vào băng có thể dẫn đến dịch bệnh địa phương và thậm chí là đại dịch" nếu chúng được thải ra môi trường.
Các sông băng ở Cao nguyên Tây Tạng có thể là điểm nóng gây ra các đại dịch trong tương lai vì chúng cung cấp nước ngọt vào một số tuyến đường thủy, bao gồm sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Hằng, cung cấp cho hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Đại dịch lây lan nhanh chóng qua các khu vực đông dân cư, như thế giới vừa chứng kiến trong đại dịch COVID-19 .