Khống chế thời gian về bến với xe buýt để làm gì?

Xã hội - Ngày đăng : 19:05, 02/07/2022

Nguyên tắc đúng giờ tạo áp lực rất lớn, khiến tài xế xe buýt phải phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí bỏ bến, gây ức chế cho hành khách và nguy hiểm cho người đi đường.

Bà Đặng Thị Hà (67 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) mỗi lần lên xuống xe buýt đều cố bước nhanh để tránh bị phụ xe giục giã, tuy thế vẫn có những lần bà cảm thấy khó khăn khi không kịp xuống xe trong vài giây, thậm chí lo lắng cho an toàn của bản thân khi vội vã xuống xe:

"Lái xe, họ đi nhanh lắm, tạt vào điểm đỗ cũng rất nhanh, luôn giục hành khách phải nhanh nữa mà với thanh niên thì không sao chứ người cao tuổi, chân tay yếu rồi không thể nhanh như họ bảo được. Mà nhỡ ngã ra đấy thì khổ".

Được biết, do áp lực chạy đúng giờ nên đa số tài xế xe buýt tạt vào điểm đón khách với tốc độ cao, thời gian dừng chờ cho khách lên xuống vội vàng, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Thậm chí, nhiều xe buýt còn bỏ điểm dừng đỗ để kịp về bến đúng giờ quy định.

Với thâm niên hơn chục năm đi xe buýt, chị Nguyễn Minh Thủy (ở Hoàng Mai, Hà Nội) từ chỗ bức xúc đã chuyển sang thông cảm với các bác tài xe buýt khi họ tìm cách đi nhanh, thậm chí bỏ bến để khỏi bị âm giờ: "Vào giờ cao điểm thì chuyện bỏ bến rất nhiều, lần đầu thì mình còn bực và hụt hẫng nhưng sau thì biết là do các bác lo bị âm giờ, không đạt đủ KPI trong ngày. Gặp những chuyến như vậy rất là sợ". 

Khống chế thời gian về bến với xe buýt để làm gì? - 1

Do áp lực chạy đúng giờ nên đa số tài xế xe buýt tạt vào điểm đón khách với tốc độ cao, thời gian dừng chờ cho khách lên xuống vội vàng, đặc biệt vào những giờ cao điểm

Theo tiết lộ từ một tài xế xe buýt tại Hà Nội, chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động công việc (KPI) của mỗi tài xế tùy thuộc vào từng tuyến, trung bình khoảng 7-8 chuyến với chặng có khoảng cách trung bình hoặc 10 đến 12 chuyến với khoảng cách gần hơn.

Một tháng, lái xe có thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng. Nếu không đủ lượt chạy trong một ngày, tài xế sẽ không được nhận đủ lương.

"Người ta khoán cho mình chạy 1 ngày là 7-8 lượt, áp lực là 1 tiếng hoặc 1 tiếng 5 phút là 1 lượt xe mà mình làm ăn theo sản phẩm, một ngày chạy được bao nhiêu lượt thì nhân tiền lên thanh toán lương nên bắt buộc mình đã mất công đi làm thì phải làm sao cho đủ chuyến lượt. Áp lực hiện nay nhiều quá bởi đường xá đông nên áp lực thời gian sát quá nên chạy vất lắm",  một tài xế buýt cho biết.

Ông Lê Anh Nam, Trưởng Trung tâm điều hành xe Buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, theo biểu đồ chạy xe có quy định thời gian của các lượt xe xuất bến nên khi xe về bến muộn sẽ ảnh hưởng đến các chuyến lượt tiếp theo.

Trong các khung giờ cao điểm, nhiều xe về bến muộn thì các lượt xe tiếp theo phải cố gắng bám sát biểu đồ đã được phê duyệt: "Về thời gian của chuyến xe, Tổng Công ty thường xuyên rà soát, đánh giá với biểu đồ chạy xe từng tuyến, theo từng khung giờ để điều chỉnh cho phù hợp.

Chuyến lượt nào thường về muộn sẽ điều chỉnh tăng thời gian chuyến đi. Ngoài ra cần chính sách cho xe buýt như làn đường dành riêng hoặc làn ưu tiên cho xe buýt trong giờ cao điểm".

Khống chế thời gian về bến với xe buýt để làm gì? - 2

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, tài xế nói chung và tài xế xe buýt nói riêng khi bị ép về thời gian thì phải chạy cố, nhiều trường hợp không đảm bảo an toàn và trở thành nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT).

Cứ để tình trạng này kéo dài không những ảnh hưởng tới tâm lý của hành khách mà còn làm tổn hại tới trật tự an toàn giao thông.

"Chúng ta phải có những quy định và hướng dẫn đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp không đưa ra quy định ép giờ đối với lái xe, khi mà không chạy kịp thì trừ tiền thì gây ra sức ép. Đường đông thế này ngay cả mình muốn đi cũng khó đúng giờ thì trong điều kiện bây giờ phải chấp nhận để xe buýt lệch giờ và nếu cần thì điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông là số 1", ông Khương Kim Tạo nói.

Về giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khẳng định, trong nguyên tắc quản lý biểu đồ chạy xe, các xe buýt phải xuất bến đúng giờ, trong trường hợp xe hỏng hóc, gặp đường tắc hoặc phát sinh sự cố về bến chậm thì đơn vị vận hành phải dùng xe dự phòng để thay thế.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội thường xuyên lưu ý, nhắc nhở các doanh nghiệp vận hành xe buýt không tạo áp lực cho người lái xe:

"Không tạo áp lực cho anh em lái xe, không khống chế giờ về bến, chuyện này đã thường xuyên nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Vấn đề là các đơn vị phải hết sức quan tâm công tác điều hành, đảm bảo vận hành đúng quy định, đúng giờ, đúng biểu đồ để đảm bảo an toàn và không tạo áp lực cho anh em trên tuyến".

Nhiều tài xế xe buýt hiện mong muốn thay đổi quy định về cách tính lương khi xe chạy không đúng giờ, không đủ chuyến lượt trong ngày bởi thu nhập thực tế của người lái xe còn ở mức hạn chế. Hơn nữa, thời gian, lộ trình cho xe buýt cũng cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho các chuyến xe.

Khống chế thời gian về bến với xe buýt để làm gì? - 3

Chỉ khi khi tài xế không bị áp lực số chuyến để tăng thu nhập, áp lực về thời gian hoàn thành mỗi chuyến, mới giảm thiểu tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, cướp đường trên mỗi hành trình

Tình trạng tài xế xe buýt bị áp lực thời gian hoàn thành chuyến lượt, thời gian xuất bến đang ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và tâm lý của hành khách.

Nếu điều này không sớm được cải thiện, rất khó thu hút hành khách sử dụng xe buýt, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô.

Đừng coi là chuyện nhỏ

Câu chuyện gây xôn xao dư luận thời gian qua của đội ngũ tài xế về lý do phải chạy nhanh, chạy ẩu để kịp về bến phần nào cho thấy áp lực về thời gian hoàn thành chuyến, khiến xe buýt trở thành “hung thần đường phố”.

Điều đáng nói, áp lực về thời gian còn xảy ra giữa các tài xế trên cùng một tuyến, giữa các tuyến có những đoạn cùng lộ trình, giữa các doanh nghiệp xe buýt.

Hình ảnh xe buýt đỗ dàn hàng ngang tại các điểm dừng đèn đỏ, chắn hết lối đi của các phương tiện khác không còn là chuyện hiếm gặp, gây bức xúc cho dư luận và mất an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, để lại hậu quả thương tâm đã cho thấy điều đó.

Đơn cử, vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và xe buýt xảy ra ngày 5/5/2022 trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh xuân, Hà Nội khiến 1 người tử vong. Trước đó, chiều 3/5, tại đường Võ Văn Kiệt, hướng đi cầu Thăng Long cũng xảy ra một vụ va chạm giữa xe máy và xe buýt khiến 1 nạn nhân thiệt mạng…

Dù chưa có kết luận chính thức nguyên nhân của những vụ việc này, nhưng đã cho thấy hệ số an toàn của xe buýt thực sự có vấn đề.

Thêm vào đó, tình trạng bỏ bến còn xuất hiện tại một số điểm ùn tắc nghiêm trọng, xe buýt phải thay đổi lộ trình sau khi đã có ý kiến từ doanh nghiệp quản lý xe buýt. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, càng ùn tắc càng cần đến phương tiện vận tải công cộng.

Nếu xe buýt bỏ bến, càng khó thu hút hành khách bởi họ cứ phấp phỏng, nơm nớp xe buýt bỏ bến. Hệ quả là người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, việc tính toán biểu đồ vận hành của xe buýt chưa theo kịp với thực tế. Bởi sau đại dịch, hình thái giao thông đã khác, tình trạng ùn tắc cũng khác, trong khi biểu đồ chạy xe vẫn chạy theo việc xuất bến đúng giờ. Để không bị giảm thu nhập, không còn cách nào khác, các tài xế buộc phải đua tranh kịch liệt.

Dù cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận tải đều khẳng định không ép giờ về bến, song với biện pháp quản lý theo biểu đồ chạy xe hiện nay cũng không khác nhiều so với biện pháp quy định giờ về bến.

Bởi lẽ, theo biểu đồ chạy xe, các tài xế phải xuất bến đúng giờ, trong khi để xuất bến đúng giờ, các tài xế không còn cách nào khác phải về bến đúng giờ để kịp giờ xuất bến. Nếu về trễ, tài xế hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi trước khi xuất bến.

Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi khi xuất bến, tài xế không có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần cần thiết.

Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới xe buýt đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân để từ đó thực hiện Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng của phương tiện vận tải hành khách công cộng nhiều năm nay vẫn chỉ xấp xỉ 10-12%, hiện mới chỉ đạt khoảng 15%.

Để cải thiện tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngoài việc mở rộng mạng lưới tuyến, tăng số lượng nhà chờ, rất cần nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống xe buýt.

Điều này cần được bắt nguồn từ việc cải cách thu nhập cho tài xế xe buýt, không phụ thuộc nhiều vào số chuyến chạy được. Khi tài xế không bị áp lực số chuyến để tăng thu nhập, áp lực về thời gian hoàn thành mỗi chuyến, mới giảm thiểu tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, cướp đường trên mỗi hành trình.

Nếu đơn vị quản lý, điều hành và doanh nghiệp coi đó là chuyện nhỏ, hình ảnh xe buýt rất khó được cải thiện, tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt rất khó tăng lên.

(Nguồn: VOV Giao Thông)