'Ngoại giao con thoi' với Nga và Ukraine của Tổng thống Indonesia có hiệu nghiệm?

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:53, 01/07/2022

Chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Nga và Ukraine đã cho thấy một Chủ tịch G20 đầy trách nhiệm với sứ mệnh gửi gắm thông điệp về hòa bình.
Mục đích Tổng thống Indonesia tới thăm Kiev và Moscow
Tổng thống Widodo và đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/6. (Nguồn: Reuters)

Sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy hòa bình

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đại diện nước Chủ tịch luân phiên của Hội nghị G20 đã có chuyến thăm Ukraine và Nga để gặp lãnh đạo hai quốc gia đang xảy ra xung đột này.

Kể từ khi xung đột nổ ra, ông Widodo đã tìm cách giữ vị trí trung lập và ông hy vọng các nỗ lực của mình sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn, sau cùng là đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên.

Tại Kiev ngày 29/6, Tổng thống Widodo đã gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hãng tin The Guardian dẫn bài đăng trên Twitter của ông Widodo ngày 30/6: “Chuyến thăm và cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky là sự thể hiện mối quan tâm của người dân Indonesia đối với tình hình ở Ukraine. Tinh thần hòa bình không bao giờ biến mất. Tôi đã đề nghị chuyển một thông điệp từ ông Zelensky tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà tôi cũng sẽ gặp”.

Ngay sau đó, ngày 30/6, tại Điện Kremlin, Tổng thống Widodo đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Widodo cho biết, các vấn đề hòa bình và nhân văn luôn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Chính trong bối cảnh đó, ông đã đến thăm Kiev và Moscow. Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng điều quan trọng là phải thúc đẩy một giải pháp hòa bình, cũng như đối thoại cởi mở.

Ông đã chuyển thông điệp của Tổng thống Zelensky tới Tổng thống Putin và bày tỏ sự sẵn sàng thiết lập liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Widodo đánh giá cao cam kết của Tổng thống Putin rằng, Nga đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp lương thực và phân bón không chỉ từ Nga, mà còn từ Ukraine. Ông ủng hộ các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm tái hòa nhập các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga và các sản phẩm thực phẩm của Ukraine vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với việc giao hàng qua đường biển từ Ukraine sẽ được Nga đảm bảo.

Vì lợi ích chung của nhiều người dân

Chia sẻ về mục đích chuyến thăm của mình, Tổng thống Widodo cho biết ông muốn khuyến khích Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky khởi động đối thoại nhằm chấm dứt xung đột, vốn đã gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực và tăng giá hàng hóa trên toàn cầu thời gian qua.

Ông Widodo nói: “Nhiệm vụ của tôi là xây dựng hòa bình, bởi cuộc chiến này phải dừng lại và (các tác động của nó) đối với chuỗi cung ứng thực phẩm phải được dỡ bỏ...".

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn thị trường thế giới và làm tăng giá các mặt hàng như thịt, nhu yếu phẩm, ngũ cốc, đường và dầu thực vật.

Tổng thống Widodo cho biết: “Các chuyến thăm này không chỉ quan trọng đối với người dân Indonesia mà còn với cả các nước đang phát triển, giúp người dân các nước đang phát triển và thu nhập thấp tránh rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực”.

'Ngoại giao con thoi' với Nga và Ukraine của Tổng thống Indonesia có hiệu nghiệm
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc hội đàm. (Nguồn: AFP)

Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định việc nối lại nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine cũng như nhập khẩu thực phẩm và phân bón từ Nga nhằm kết thúc tình trạng thiếu hụt và hạ giá sản phẩm là rất quan trọng.

Thực trạng giá dầu thực vật tăng đã buộc chính phủ Indonesia tạm thời cấm nhập khẩu các sản phẩm từ dầu cọ, trong bối cảnh sinh viên nước này biểu tình phản đối giá thực phẩm leo thang. Nước này vừa nối lại nhập khẩu dầu cọ thô cách đây 1 tháng. Indonesia và Malaysia là hai nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm 85% sản lượng toàn cầu.

Còn thời gian cho những cơ hội

Với tư cách Chủ tịch G20 năm nay, Indonesia tìm cách giữ vị trí trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời tỏ ra rất cẩn trọng trong các phát biểu.

Tổng thống Widodo bày tỏ sự ủng hộ của Indonesia đối với các nỗ lực hòa bình của cả Nga và Ukraine, một động thái được cho là để tăng tình đoàn kết tại diễn đàn G20, vốn đang bị chia rẽ do cuộc xung đột.

Mỹ và các nước đồng minh trong nhóm G7 (một phần của G20) đã đồng loạt trừng phạt Nga theo nhiều cách khác nhau, trong đó có việc đe dọa tẩy chay Hội nghị G20 được tổ chức cuối năm nay tại Bali nếu Tổng thống Putin không bị loại khỏi diễn đàn này.

Tổng thống Widodo đã mời người đồng cấp Zelensky tới dự Hội nghị G20 cùng Tổng thống Putin với hy vọng điều này sẽ giúp hai bên đề xuất nhượng bộ, đồng thời hạn chế mọi sự gián đoạn đối với nghị trình của diễn đàn.

Ông Widodo đã trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến thăm Nga và Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột. Nỗ lực của ông được đưa ra vài tuần sau khi Nga cho biết nước này đang quan tâm đến đề xuất của Italy nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Thời gian gần đây, các cuộc thảo luận giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt tình trạng xung đột đã dừng lại. Hồi tháng 3, ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận những vấn đề còn tồn tại, sau đó phái đoàn hai bên tiếp tục hội đàm tại Istanbul, song không đạt được kết quả cụ thể nào.

Thiện chí của Tổng thống Widodo là rất rõ ràng, tuy vậy, một số chuyên gia bi quan về khả năng Nga và Ukraine tìm đến vai trò trung gian của Indonesia nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho xung đột.

Ông Gilang Kembara, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia nhận định: “Khả năng đó là rất thấp... Indonesia không có nhiều kinh nghiệm làm trung gian hòa giải ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á”.

Phương Hà