Ukraine được "dọn đường" vào EU, cục diện chiến sự Ukraine - Nga sẽ ra sao?
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:21, 01/07/2022
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 23/6 xác nhận các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia nhập cho Ukraine và Moldova.
Mặc dù để đi đến chặng cuối cùng kết nạp trở thành thành viên chính thức EU là còn rất dài và nhiều khó khăn, nhưng động thái lần này thực sự gây chú ý, nhất là trong bối cảnh chiến sự Ukraine - Nga vẫn diễn ra khốc liệt.
"Chúng tôi vừa được cấp quyền tư cách thành viên. Đây là một chiến thắng mà chúng tôi đã chờ đợi trong 30 năm và 120 ngày. Sau đó chúng tôi sẽ đánh bại đối phương và nghỉ ngơi một chút. Hoặc có thể chúng tôi sẽ tái thiết Ukraine trước và nghỉ ngơi sau đó", Tổng thống Zelensky tuyên bố hôm 23/6 sau khi EU ra quyết định công nhận tư cách ứng viên chính thức cho Ukraine.
Không chỉ Ukraine, các lãnh đạo EU cũng tỏ ra rất hồ hởi trước động thái trên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc các nhà lãnh đạo EU cấp quy chế ứng viên cho Ukraine gửi "tín hiệu rất mạnh mẽ" tới Nga, rằng châu Âu ủng hộ những nguyện vọng thân phương Tây của Ukraine.
Trong khi đó, Chủ tịch EC Charles Michel viết trên Twitter rằng: "Đây là khoảnh khắc lịch sử. Tương lai của chúng ta là ở cùng nhau". Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Hôm nay là ngày tốt lành dành cho châu Âu".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề đáng lo ngại đặt ra ở đây là phản ứng của Nga sẽ ra sao và liệu động thái lịch sử theo như tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky ảnh hưởng như thế nào đến cuộc xung đột Ukraine.
Cục diện xung đột Ukraine sẽ ra sao?
Ukraine trở thành ứng viên EU trong bối cảnh giao tranh khốc liệt ở miền Đông, khi lực lượng Nga đẩy mạnh đà tiến công nhằm kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk. Hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở Lugansk đã trở thành "rốn hỏa lực" của pháo binh Nga vài tuần qua. Giới chức Ukraine hôm 23/6 cho biết, lực lượng nước này có thể phải rút khỏi Lysychansk để tránh bị bao vây.
Nếu kiểm soát được hai thành phố này, Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, từ đó tạo bàn đạp tiến sang Sloviansk và Kramatorsk, thành phố thuộc tỉnh Donetsk. Đây sẽ là những mục tiêu cuối cùng để Nga hoàn thành mục tiêu "giải phóng" vùng Donbass ở đông Ukraine.
Vì vậy, theo các chuyên gia quân sự, động thái lần này của EU sẽ có tác động đến cục diện chiến sự ở Ukraine.
Nhiều chuyên gia cho rằng, EU là một tổ chức chủ yếu là kinh tế và chính trị, không phải là một liên minh quân sự như NATO.
Điều này có nghĩa là việc Ukraine được chấp nhận tư cách thành viên sẽ không đồng nghĩa với việc các nước thành viên EU sẽ trực tiếp tham chiến để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga lần này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã liên tục cảnh báo chiến sự Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm, đồng thời nói rằng, các đồng minh của Ukraine phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài và "không được từ bỏ" sự hỗ trợ kinh tế và vật chất của họ.
Tuy nhiên, tư cách thành viên có thể tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế, giống Bulgaria và Romania đã từng nhận được. GDP của các nước này lần lượt tăng gấp đôi và gần gấp ba kể từ khi trở thành thành viên của EU.
Và hơn nữa cả hai nước cũng có lợi ích quân sự. EU có một điều khoản phòng vệ lẫn nhau, trong đó quy định rằng nếu một quốc gia EU là nạn nhân của "hành động xâm lược có vũ trang" trên lãnh thổ của mình, các quốc gia EU khác có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của mình.
Mặc dù vị thế ứng viên chủ yếu mang tính biểu tượng, động thái này sẽ giúp Ukraine nâng cao tinh thần vào thời điểm rất khó khăn trong cuộc xung đột kéo dài 4 tháng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và san phẳng các thị trấn và thành phố ở nước này.
Các nước phương Tây đặt vấn đề xung đột ở Ukraine lên hàng đầu kể từ khi xung đột bùng nổ vào cuối tháng 2 và một số nước đã lên tiếng ủng hộ việc chào đón Ukraine gia nhập EU. Việc này sẽ bao gồm việc cung cấp một mạng lưới an toàn cho Ukraine, có nghĩa là họ sẽ có sự hỗ trợ của 27 quốc gia khác hiện là một phần của EU.
Phản ứng của Nga
Câu hỏi đặt ra giờ đây vẫn là liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin phản ứng như thế nào trước động thái này. Liệu Mosocw có buộc phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc chấp nhận Ukraine gia nhập EU và mở chiến dịch quân sự nhằm vào những nước can thiệp như cảnh báo hay không.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 27/2, ông Putin tuyên bố: "Ukraine là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần của chúng ta. Đây là những người đồng đội, những người thân yêu nhất của chúng ta - không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người đã từng phục vụ cùng nhau, mà còn là những người thân, những người ràng buộc bằng huyết thống, bằng quan hệ gia đình".
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân của Nga đang ở trạng thái "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt".
Tuy nhiên, mới đây, bình luận về vấn đề này, Tổng thống Putin nói trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg rằng, đây là quyết định có chủ quyền của chính phủ Kiev và người dân Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Moscow không phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU vì khối này không phải là mối đe dọa quân sự giống NATO. Do đó, Nga sẽ không chống lại việc Ukraine gia nhập các liên minh kinh tế như EU.
Ông Putin cũng nói, liên quan đến hội nhập kinh tế của Ukraine với EU, đó là sự lựa chọn của họ và là điều đã phổ biến rộng rãi trên toàn châu Âu, ngay cả giữa các quốc gia không phải là thành viên EU.
Mặc dù Tổng thống Putin tuyên bố không phản đối Ukraine đạt được tư cách ứng viên EU nhưng các quan chức Nga cho rằng việc mở rộng EU là một hành động thù địch có liên quan đến lợi ích quốc gia của Nga.
Dù vậy, theo chuyên gia Kadri Liik tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, tư cách ứng viên của Ukraine chỉ là "cử chỉ ủng hộ mang tính biểu tượng" của EU. Giới ngoại giao cũng dự đoán Ukraine sẽ mất ít nhất 10 năm để đáp ứng các tiêu chí gia nhập EU.
EU đã đặt ra loạt bước đi để Kiev thực hiện, bao gồm củng cố nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng, trước khi có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo bao gồm các cuộc đàm phán gia nhập.