Đến 2025, Hà Nội khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:26, 01/07/2022

Đến năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 10%; khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%.
Đến 2025, Hà Nội khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%
Ảnh minh hoạ: BYT

UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, thành phố xác định rõ mục tiêu chung đó là tổ chức thực hiện tốt Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường vai trò và năng lực của mỗi người dân, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Về các chỉ tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 10%; khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%; giảm tỉ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây dưới 35%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày dưới 7 gam. Giảm tỉ lệ người dân thiếu vận động thể lực đối với người 18-69 tuổi dưới 22%, trẻ em 13-17 tuổi là 60%.

Thành phố cũng phấn đấu, tỉ lệ người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng là 100%. Tỉ lệ trạm y tế cấp xã triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình là 100%. Tỉ lệ người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được phát hiện bệnh nghề nghiệp là 50%. Tỉ lệ xã thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe lao động cơ bản cho người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và làng nghề...) là 40%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp chủ yếu. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của toàn thành phố.

Cùng với đó, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi và các đối tượng xã hội khác theo quy định, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và kết nối hiệu quả giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế. Thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật…

Hạ Nguyên