Tin thế giới 30/6: Nga nhận định thế nào về an ninh châu Âu? Ngày trọng đại của Trung Quốc; Israel lại rơi vào khủng hoảng chính trị

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:11, 30/06/2022

Nga nhận định thế nào về an ninh châu Âu? Trung Quốc chuẩn bị lễ kỷ niệm lớn; Quốc hội Israel 'đồng lòng' giải tán... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Nga nói rằng an ninh châu Âu không thể thiếu sự tham gia của Moscow và Minsk. (Nguồn: Flickr)
Nga nói rằng an ninh châu Âu không thể thiếu sự tham gia của Moscow và Minsk. (Nguồn: Flickr)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga nói an ninh châu Âu không thể thiếu sự tham gia của Moscow và Minsk

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 29/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng, các nước phương Tây đã dần nhận ra sự quan trọng của Nga và Belarus trong việc định hình kiến trúc an ninh châu Âu. Đồng thời, các quốc gia này cũng đã phải nghĩ đến tương lai sau khi cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay qua đi.

Cụ thể, ông Lavrov nói rằng: “Họ (các nước phương Tây) hiểu điều này. Ngày càng có nhiều người hiểu chuyện hơn ở các nước đó. Họ bắt đầu nghĩ: ‘Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi tình hình này kết thúc?’”

Theo Ngoại trưởng Nga, hợp tác toàn châu Âu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện thật khó nói rằng châu Âu cần hợp tác kiểu gì trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng thực tế là không thể xây dựng an ninh tại khu vực mà thiếu đi sự hiện diện của Nga và Belarus. (TASS)

Nga thể hiện thiện chí với Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/6 thông báo: “Để thể hiện thiện chí, lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trên đảo Zmeiny và rút quân đồn trú tại đây. Điều này đã chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Liên bang Nga không ngăn cản nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc tổ chức hành lang nhân đạo cho hoạt động xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ Ukraine”.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, đăng trên tài khoản Twitter: "Không còn binh sĩ Nga nào trên đảo Rắn. Các lực lượng vũ trang của chúng ta thật tuyệt vời". (Reuters)

Tổng thống Nga đưa lời cảnh báo với NATO về Thụy Điển, Phần Lan

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/6 đã cảnh báo liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Nga sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và hạ tầng quân sự tại Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự.

Ông Putin cũng khẳng định, Nga không có vấn đề gì với Thụy Điển và Phần Lan giống như cách Moscow phản ứng với Kiev. “Nếu họ muốn gia nhập NATO, thì họ cứ việc làm điều đó", Tổng thống Nga nói với báo giới trong chuyến công du tại Turkmenistan.

Nhận định về phát biểu của Tổng thư ký NATO rằng khối liên minh này đã"sẵn sàng cho một cuộc xung đột kể từ năm 2014", ông Putin cho biết điều đó "không có gì mới" đối với Mosvcow:

"Điều này một lần nữa khẳng định những gì chúng ta đã nói từ trước đến nay: Rằng NATO là một di tích của thời Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi luôn được thông báo rằng NATO đã thay đổi, rằng giờ đây nó là một liên minh chính trị, nhưng mọi người đều đang tìm kiếm cơ hội và lý do để tạo cho nó một động lực mới với tư cách là một tổ chức quân sự. Và quả thật là họ đã làm điều đó", ông Putin nói. (Al Jaazera/TASS)

Ngũ cốc cuối cùng cũng thoát cảng Ukraine

Một tàu chở 7.000 tấn ngũ cốc đã rời cảng Berdyansk thuộc vùng Zaporizhzhia, miền Đông Nam Ukraine, đánh dấu chuyến vận chuyển ngũ cốc đầu tiên xuất phát từ cảng này kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay.

Thông tin trên được người đứng đầu chính quyền địa phương Evgeny Balitsky cho biết trên trang Telegram ngày 30/6.

Các tàu, thuyền thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho chuyến hàng này. Hiện, cảng Berdyansk cũng đã được rà phá bom mìn. (TASS)

Ukraine cắt quan hệ ngoại giao với Syria

Ngày 29/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria sau khi nước này công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk.

Trong một tuyên bố được đăng tải qua ứng dụng Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quan hệ giữa Ukraine và Syria đã kết thúc, đồng thời sức ép của các lệnh trừng phạt đối với Damascus sẽ ngày càng gia tăng. (Reuters)

Mỹ lại thử tên lửa siêu vượt âm thất bại

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/6 cho biết vụ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm mới nhất của nước này đã thất bại.

Bộ này cũng chỉ đưa ra một vài chi tiết về vụ thử, trong đó nói rằng bộ phận đánh lửa đã gặp trục trặc và khiến quả tên lửa siêu vượt âm không thể kích hoạt như dự kiến.

“Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có tất cả thông tin về vụ thử nghiệm, nhưng phần dữ liệu thu thập được từ sự cố trên sẽ cung cấp những thông tin quan trọng”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Hải quân Tim Gorman phát biểu.

Vụ thử tên lửa ngày 29/6 là một phần của Chương trình Đột kích Nhanh Thông thường của Hải quân Mỹ (Conventional Prompt Strike - CPS), trong đó tập đoàn Lockheed Martin đang phát triển các vũ khí có khả năng bay với tốc độ Mach 5 trở lên để trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi. (AP)

Chủ tịch Trung Quốc nêu bật sức mạnh của chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’

Ngày 30/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng thực tế đã minh chứng cho sức mạnh to lớn của chính sách "một quốc gia, hai chế độ".

Phát biểu khi tới ga tàu cao tốc Tây Cửu Long ở Đặc khu hành chính Hong Kong, ông Tập Cận Bình nói rằng trong một khoảng thời gian, Hong Kong đã trải qua hàng loạt thử thách nghiêm trọng và vượt qua hàng loạt rủi ro và thách thức. Hong Kong kể từ đó đã nổi lên mạnh mẽ hơn và thể hiện sức sống mạnh mẽ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định thực tế đã chứng minh sức mạnh to lớn của "một quốc gia, hai chế độ", đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong và đảm bảo hạnh phúc của đồng bào Hong Kong.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự các sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong trở về Đại lục. (THX)

Trung Quốc chỉ trích chính phủ mới ở Australia

Tờ China Daily ngày 30/6 đăng tải bài xã luận và đưa ra lời chỉ trích đối với Thủ tướng Australia Anthony Albanese khi ông này đưa ra lời cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải rút những bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine cho các tham vọng của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

“Thật khó tin rằng nhà lãnh đạo mới của Australia có thể thiếu thông tin đến mức không biết được lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, điều mà nước này đã làm rõ nhiều lần, hoặc ông ấy có thể thiếu kiến thức đến mức không hiểu tình trạng của Đài Loan”, bài viết nêu rõ.

Bài xã luận nhấn mạnh Bắc Kinh đã “thể hiện thiện chí” kể từ khi ông Albanese nhậm chức và sẵn sàng cải thiện quan hệ, “nhưng cho đến nay, Canberra đã không đáp lại.

Bắc Kinh chỉ trích NATO bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc liên minh quân sự lần đầu tiên trong khái niệm chiến lược của khối nhấn mạnh rằng sức mạnh của Trung Quốc đang thách thức NATO.

Khi tuyên bố Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ nội dung trong khái niệm chiến lược mới", ông Triệu Lập Kiên nêu rõ: "Cái gọi là văn kiện về khái niệm chiến lược mới của NATO coi thường lẽ phải, trắng đen lẫn lộn... và bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc". (AFP)

Quốc hội Israel lại giải tán

Quốc hội Israel (Knesset) ngày 30/6 đã bỏ phiếu đồng ý giải tán. Quyết định này nhận được 92 phiếu thuận và không có phiếu nào phản đối.

Ngoại trưởng Yair Lapid sẽ trở thành quyền Thủ tướng sau nửa đêm 1/7, tiếp quản quyền lực từ ông Naftali Bennett - người có thời gian nắm chức Thủ tướng Israel ngắn nhất trong lịch sử nước này.

Quốc hội giải tán sẽ buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử lại, do đó cơ hội và sự cạnh tranh quyền thành lập chính phủ mới giữa các đảng phái sẽ càng gay gắt. Cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến được tổ chức vào ngày 1/11 năm nay. (Sputnik)

Tân Tổng thống Philippines nhậm chức

Ngày 30/6, ông Ferdinand Marcos Jr, 64 tuổi, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines.

Trong bài phát biểu nhậm chức ở Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Manila, tân Tổng thống Marcos Jr. khẳng định: "Tôi ý thức một cách sâu sắc trọng trách mà các bạn đặt lên vai tôi. Tôi đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đầy khó khăn đó và tôi sẽ hoàn thành vai trò của mình".

Theo Tổng thống Philippines, ông và nội các của mình đang lập ra các kế hoạch toàn diện để chuyển đổi nền kinh tế, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. (Philstar)

Quang Đào