Tận thấy trang phục triều Nguyễn nguyên bản

Dòng chảy - Ngày đăng : 19:00, 30/06/2022

Trong khuôn khổ hưởng ứng, đồng hành tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2022 - thuộc Festival Huế 4 mùa (từ 25 đến 30/6), tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang diễn ra triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn”, do Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh TT-Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức.
1.jpg
Đây là lần hiếm hoi, những di sản nguyên bản quý hiếm về áo mũ, trang phục hoàng gia, quan lại triều Nguyễn do các nhà sưu tập dày công sưu tầm được giới thiệu đến công chúng tại một kỳ Festival.
2.jpg
Triển lãm trưng bày và giới thiệu đến công chúng 11 chiếc áo của hoàng đế, hoàng thái hậu, các bậc quan lại, thái giám cận vệ và cung nữ... của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (TP Huế); cùng với hơn 120 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh được lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
3.jpg
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính quy củ về hình thức của mỗi triều đại quân chủ. Đối với các nước phương Đông, trình độ văn minh của các triều đại còn được đánh giá qua chế độ Y quan (áo mũ, nghĩa rộng là trang phục) và Lễ nhạc.
4.jpg
Dưới triều Nguyễn, chế độ y quan càng được xem trọng. Ngôn ngữ trang phục thể hiện quyền lực và đường lối chính trị và là niềm tự hào của triều đại.
5.jpg
Còn theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TT-Huế, trang phục Cung đình triều Nguyễn không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Trong ảnh là lễ phục Hoàng thái hậu triều Nguyễn nguyên bản.
6.jpg
7.jpg
Trên phương diện mỹ thuật, mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, quan viên dưới triều Nguyễn đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một minh chứng sinh động, giúp chúng ta có thể hiểu hơn về trình độ tay nghề, khiếu thẩm mỹ của các bậc nghệ nhân xưa.
8.jpg
Chế độ Y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của trang phục cung đình triều Nguyễn vô cùng quan trọng. Đây cũng là vấn đề được các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm. Trong ảnh là trang phục dành cho các quan triều Nguyễn.
9.jpg
10.jpg
Triển lãm lần này được bố cục theo 3 chủ đề, gồm: Trang phục hoàng gia; trang phục quan lại, binh lính; trang phục tân khoa. Trong ảnh là nguyên bản trang phục Hoàng đế triều Nguyễn.
11.jpg
12.jpg
Trang phục hoàng gia với sự phân thứ bậc đế, hậu, hoàng tử, công chúa, tôn thất và chi tiết đến từng yếu tố như chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí, số lượng y phục, vật liệu trang sức đi kèm.
13.jpg
14.jpg
Trang phục quan lại, binh lính tùy theo phẩm hàm mà quan viên văn, võ được nhà vua ban triều phục đại triều và thường triều. Sự phân biệt các hạng lính chủ yếu ở các hạng mũ, áo. Trong ảnh là nguyên bản trang phục Hoàng thân triều Nguyễn
15.jpg
Dưới triều Nguyễn, trang phục tân khoa dựa theo chế độ ban thưởng phẩm phục và trâm hoa cho những người đỗ đạt ở các kỳ thi như đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh (trạng nguyên); đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh, đệ tam danh (bảng nhãn, thám hoa). Trong ảnh là nguyên bản trang phục các quan triều Nguyễn.
16.jpg
17.jpg
18.jpg
Chế độ Y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của trang phục Cung đình triều Nguyễn vô cùng quan trọng, là vấn đề được các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm. Triển lãm kéo dài đến ngày 7/7/2022.