Hành khách chán ngán 'thái độ' xe buýt, tài xế phân trần 'có muốn thế đâu'
Xã hội - Ngày đăng : 12:40, 30/06/2022
Hành khách chán ngán xe buýt truyền thống
Chia sẻ về chất lượng loại hình xe buýt truyền thống, bà Nguyễn Thị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, không chỉ riêng bà mà nhiều người cũng đều cảm nhận rõ thái độ phục vụ rất kém của loại hình vận tải này.
"Tôi không nói tất cả các tuyến buýt, các tài xế, phụ xe buýt đều có thái độ phục vụ kém, nhưng thực tế là chiếm đa số. Tài xế xe buýt lái rất ẩu, khi hành khách lên xe thì rất thái độ. Với những người cao tuổi tôi từng chứng kiến có phụ xe bảo "bà già thế rồi bà đi buýt làm gì", thái độ phục vụ rất kém!", bà Hoa chia sẻ.
So sánh với loại hình xe buýt điện, bà Hoa cho biết chất lượng dịch vụ tốt hơn hẳn, nhân viên thái độ niềm nở, tài xế chạy xe cẩn thận từ tốn, tại các điểm dừng đỗ đều kiên nhẫn chờ cho khách lên/xuống xe...
Với xe buýt nhanh BRT, do đặc điểm không có phụ xe, có làn đường riêng và lượng hành khách không quá đông nên cơ bản không để lại ấn tượng xấu với hành khách.
Trở lại với buýt truyền thống, bà Hoa nói: "Tôi rất mong các tài xế xe buýt thường có thể tiếp thu, thay đổi để chất lượng phục vụ tốt hơn. Người phục vụ lẫn người lái xe cần được đào tạo kỹ càng hơn, tôi đi buýt truyền thống nhiều lần gặp tài xế nói bậy, hút thuốc trên xe".
Chị Phương Thảo (sinh sống tại khu đô thị Ecopark) bức xúc cho biết, chiều 28/6, sau khi rời khỏi nơi làm việc ra đón xe buýt trước cửa bến xe Kim Mã để về nhà, chị Thảo bị thương ở vai và cánh tay sau khi bị chiếc xe buýt số 18 xô ngã về phía sau.
Chị Thảo kể: "Tôi mua vé buýt theo tháng nên quãng đường từ cơ quan về nhà tiện xe nào tôi đi xe đó. Chiều qua khi thấy xe buýt số 18 đi đến, băn khoăn mãi tôi quyết định lên tuyến buýt này để ra điểm trung chuyển Long Biên.
Xe đến, tôi chạy ra cửa trước thì cửa xe không mở, tôi vội chạy ra cửa sau thì chưa kịp lên xe lái xe đã rồ ga chạy. Tôi bị xô về phía sau, vai trái đập vào cửa, tôi kêu lên thì người tài xế quát "nhanh chân lên" rồi đóng cửa xe, còn tôi thì bị cửa xe kẹp ngang người. Bực quá tôi bảo "sao lại đi nguy hiểm thế" thì tài xế tiếp tục lẩm bẩm "ai bảo ngơ, chậm".
Quá bức xúc với thái độ phục vụ của tài xế, chị Thảo yêu cầu tài xế cho xuống ở điểm tiếp theo để đón tuyến buýt khác. Theo lời chị Thảo, những lần đi xe buýt chị gặp không ít cảnh tài xế, phụ xe quát người lớn tuổi.
"Tôi đi xe buýt gần 5 năm nay nên gần như xe nào, tuyến nào tôi cũng từng đi. Không phải mình tôi gặp tình huống bức xúc như hôm qua mà nhiều lần tôi chứng kiến cảnh những người lớn tuổi lên cửa trước rồi lại chạy vội xuống cửa sau để lên xe vì tài xế không mở cửa.
Bức xúc nhất là việc nhiều tuyến buýt cả tài xế và phụ xe ăn nói trống không, quát tháo khách. Cũng là nhân viên nhưng khi đi xe buýt điện thì lại khác hẳn. Hôm qua sau khi xuống khỏi chiếc xe buýt số 18, tôi lên chiếc xe buýt điện E07 thì vừa lên xe phụ xe đã cúi chào và hỏi han tình hình của tôi lúc đó. Khi xuống xe nhân viên họ không quên gửi lời cảm ơn, tài xế dừng hẳn xe cho đến khi tôi bước xuống an toàn, còn phụ xe xách giúp tôi đồ đạc. Không chỉ mình tôi mà rất nhiều hành khách khác cũng được đối xử văn minh như vậy", chị Thảo chia sẻ.
Tài xế xe buýt: "Đâu ai muốn chạy ẩu"
Mới đây một tài xế xe buýt thường đã có "tâm thư" gửi trên mạng xã hội. Trong đó tài xế này lý giải việc họ chạy "như thiêu thân" là bởi những quy định của đơn vị quản lý.
"Tại sao buýt điện họ cứ thong dong đi trong khi chúng tôi phải đuổi giờ, đuổi từ đầu ca tới cuối ca vẫn âm giờ. Xin ăn cơm còn không quá 10 phút từ khi xe về bến. Lý do là tại quy định chuyến lượt. Bỏ lượt nào trừ tiền lượt ấy", đoạn nội dung được tài xế xe buýt truyền thống chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, một tài xế chạy tuyến buýt số 50 (KĐT Vân Canh - Long Biên) chia sẻ, nghề tài xế, đặc biệt là tài xế xe buýt phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Anh này cho biết, mỗi ca làm việc tài xế phải chạy trung bình khoảng 7 lượt xe và phải chạy đủ số chuyến mới được nghỉ.
Về việc một số tài xế chạy ẩu, nam tài xế này chia sẻ việc, có những thời điểm tắc đường, người tài xế về đến điểm cuối phải chạy tiếp ngay, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống.
"Theo quy định, mỗi ca làm việc của tài xế là 8 tiếng. Để kịp làm việc ca sáng bắt đầu lúc 5h, tôi thường phải dậy từ 3-4h. Trung bình, mỗi hành trình kéo dài khoảng 70-75 phút, mỗi ca bình quân mỗi tài xế phải chạy 5-7 lượt, sau mỗi lượt chỉ được nghỉ chừng 3-4 phút, có khi giờ làm việc kéo dài đến 14h chiều.
Thời gian làm việc thực tế của một số tài xế có thể lên đến 12 tiếng/ngày, có khi âm giờ vẫn phải chạy cho đủ số chuyến trong ca. Ví dụ 17h chiều hết ca nhưng chưa chạy đủ 7 chuyến thì vẫn chạy tiếp, chạy xong mới nghỉ. Nếu chạy không đủ chuyến thì bị trừ lương.
Không riêng gì tuyến này mà nhiều tuyến khác việc không có thời gian ăn uống là chuyện bình thường. Trên đường di chuyển đâu ai nói trước được điều gì, có hôm gặp tắc đường thì về muộn, vừa về xin chạy đi luôn", nam tài xế tuyến buýt số 50 chia sẻ cái khó của nghề.
Một tài xế chạy tuyến buýt số 04 chia sẻ, việc tài xế chạy nhanh để cho kịp đủ số chuyến không phải chuyện hiếm gặp bởi có chạy đủ chuyến mới được tính đủ một ngày công.
"Giao thông Hà Nội thì ngày nào cũng tắc đường. Gặp tắc là coi như chậm chuyến, âm giờ. Nhiều hôm đã tan ca làm rồi nhưng chưa đủ chuyến nên tôi cùng phụ xe phải chạy cố. Thậm chí anh em chạy thông luôn rồi về nhà ăn cơm với vợ con. Như tôi thường nhịn về nhà mới ăn vì đường tắc về bến muộn thì còn đâu thời gian mà ăn uống", anh này cho biết.
Trước ý kiến cho rằng nhiều tài xế xe buýt thường chạy ẩu, thái độ phục vụ chưa tốt, nam tài xế chia sẻ rằng không phải tài xế xe buýt nào cũng vậy. Như anh vẫn luôn thân thiện với hành khách bởi có hành khách thì tài xế, phụ xe, công ty vận tải mới trụ và phát triển được.
Nhiều tài xế bày tỏ, vì áp lực công việc, họ mong muốn được hưởng mức lương cao hơn. Hiện tại dù làm đã nhiều năm nhưng lương vẫn chỉ dao động ở khoảng 7-9 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi mong muốn lương của mình sẽ được cải thiện tốt hơn. Khi có lương ổn định chăm lo cho gia đình ắt hẳn nhiều tài xế sẽ tận tình hơn trong công việc", một tài xế bày tỏ.
Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại tình huống tài xế xe buýt bất chấp đường hẹp, ngang nhiên lấn làn, vượt ẩu sang làn ngược chiều đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Sau khi nắm được thông tin vụ việc phía đơn vị quản lý đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời xử phạt tài xế xe buýt theo quy định.