Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:39, 30/06/2022

NATO đã được mở rộng thêm khi Thổ Nhĩ Kỳ không ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập; đồng thời thông qua chiến lược mới, xác định Nga là mối đe dọa và Trung Quốc là thách thức.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid đã thông qua các quyết định quan trọng (Ảnh: Deutsche Welle).

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid đã thông qua các quyết định quan trọng (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Đức Deutsche Welle, Hội nghị thượng đỉnh NATO hiện đang họp ở Madrid đã thông qua chiến lược mới, trong đó xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với NATO. Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO nhưng là "thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh của NATO". Đồng thời, NATO quyết định mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia. NATO chỉ ra trong một tuyên bố rằng sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ làm cho NATO mạnh hơn và làm cho khu vực châu Âu- Đại Tây Dương trở nên an toàn hơn.

Quyết định kết nạp các thành viên mới diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào thứ Tư (29/6) thể hiện lập trường thống nhất trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Ba (28/6) rằng, quyết định này sẽ là một "sự thay đổi cơ bản về khả năng răn đe và phòng thủ" của NATO. Trước hội nghị thượng đỉnh, ông Stoltenberg đã nói rằng (việc kết nạp các thành viên mới) là "cuộc cải tổ lớn nhất về khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh."

Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: AP).

Cuộc can thiệp kéo dài 20 năm của Mỹ và NATO vào Afghanistan đã kết thúc trong sự hỗn loạn. Cho đến khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, mục tiêu cốt lõi của liên quân một lần nữa được nhấn mạnh: phòng thủ tập thể.

Tại phiên họp vào sáng thứ Ba (28/6), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi phát biểu qua cầu truyền hình đã kêu gọi NATO cung cấp cho Ukraine thêm nhiều vũ khí hiện đại hơn; đồng thời lưu ý rằng đây không chỉ là một cuộc chiến chống Ukraine, mà Nga nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Họ sẽ không giành được chiến thắng."

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Sanchez cho rằng: “Cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine đã làm "người ta rõ ràng hơn một chút" về tầm quan trọng của NATO đối với tương lai.

Ngoài sự tự tin mới, NATO cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với các nước không phải là thành viên. Thụy Điển và Phần Lan, trước hành động của Nga, đã quyết định từ bỏ quan điểm trung lập và tìm cách gia nhập NATO.

Hôm thứ Ba (28/6), Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý từ bỏ quyền phủ quyết đối với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, vì hai nước đã có những cam kết quan trọng trong việc chống khủng bố.

Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức ảnh 2
Hai quốc gia trung lập Thụy Điển và Phần Lan đã trở thành thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) (Ảnh: Reuters).

Tại hội nghị thượng đỉnh, NATO gồm 30 quốc gia thành viên cũng đồng ý về một khái niệm chiến lược mới cho nhiệm vụ và sứ mệnh an ninh của NATO. Đây là phiên bản cập nhật đầu tiên kể từ năm 2010. Trong kế hoạch chi tiết về an ninh của NATO trong 10 năm tới, Nga được xác định là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với NATO. Cách tiếp cận của NATO để đối phó với ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc cũng được đề cập trong bản thiết kế an ninh.

Ông Jens Stoltenberg cho biết Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO mà là "thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh của chúng ta". Tuyên bố do NATO đưa ra cũng đề cập rằng các mục tiêu và chính sách của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với "các giá trị, lợi ích và an ninh" của NATO. Nhưng NATO cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với Bắc Kinh.

Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức ảnh 3

Các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua chiến lược mới xác định Nga là mối đe dọa an ninh (Ảnh: turkrus)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi công bố Khái niệm chiến lược NATO 10 năm: "Trung Quốc đang tăng cường đáng kể khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang bắt nạt các nước láng giềng, đe dọa Đài Loan và giám sát công dân thông qua công nghệ giám sát tiên tiến, phát tán những lời nói dối và thông tin sai lệch của Nga”.

Hãng thông tấn AP chỉ ra rằng mặc dù từ ngữ nặng nề nhất của tài liệu vẫn hướng đến Nga, nhưng việc đề cập đến Trung Quốc là cực kỳ quan trọng vì Trung Quốc không được nói đến trong tài liệu chiến lược phát hành năm 2010.

"Một trong những điều (Trung Quốc) đang làm là cố gắng phá hoại trật tự quốc tế mà chúng tôi đã duy trì và giúp tạo ra; nếu Trung Quốc thách thức nó theo bất kỳ cách nào, chúng tôi sẽ chống lại nó", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Madrid, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói bà tin rằng khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua cưỡng ép kinh tế và tạo ra một quân đội có ảnh hưởng mở rộng, họ sẽ có khả năng suy nghĩ sai lầm, dẫn đến "đánh giá sai lầm thảm khốc", "chẳng hạn như tấn công Đài Loan”.

Phái đoàn Trung Quốc tại EU hôm thứ Tư (29/6) đã phản hồi về nội dung tài liệu "Khái niệm chiến lược" của NATO liên quan đến Trung Quốc, nhấn mạnh rằng tài liệu này chứa đầy tư duy Chiến tranh Lạnh và thành kiến ​​ý thức hệ, tùy tiện công kích và bôi xấu Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này.

Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức ảnh 4

Trung Quốc bị NATO xác định là "thách thức có tính hệ thống".

Cùng ngày (29), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản hồi về tài liệu "Khái niệm chiến lược" của NATO tại một cuộc họp báo thường kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích NATO đã "làm loạn châu Âu và sau đó đến châu Á."

Ông Triệu Lập Kiên nói rằng NATO đã nhiều lần tuyên bố công khai rằng vị thế của NATO với tư cách là một liên minh khu vực không thay đổi, NATO không tìm kiếm những đột phá về địa lý, cũng như không tìm cách mở rộng thành viên của mình ở các khu vực khác. "Nhưng trong những năm gần đây, NATO không ngừng tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số nước thành viên NATO đã liên tục điều máy bay và tàu chiến đến các vùng biển xung quanh Trung Quốc để tập trận, tạo căng thẳng và kích động mâu thuẫn."

Ông nói, "NATO liên tục đột phá các khu vực và lĩnh vực và chủ trương đối đầu nhóm. Cộng đồng quốc tế nên duy trì cảnh giác cao và kiên quyết phản đối điều này", đồng thời kêu gọi NATO "ngừng cố gắng phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới."

Ngoài ra, ông Triệu Lập Kiên cũng nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời gọi Mỹ là "kẻ khởi xướng và là động lực lớn nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine."

Các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của NATO là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh. Điều này cho thấy cuộc chiến Ukraine không phải là tâm điểm chú ý duy nhất của NATO.

Chiến lược mới của NATO: Nga và Trung Quốc - một mối đe dọa và một thách thức ảnh 5

Quân đội Mỹ tiến hành cuộc tập trận Saber Strike ở Liathunia tháng 3/2022 (Ảnh: Getty).

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (29/6) cho biết, để đối phó với các mối đe dọa từ Nga, Mỹ sẽ tăng cường triển khai quân sự chi viện NATO cả trên bộ, trên biển và trên không. Ông nhấn mạnh cam kết của NATO trong việc "bảo vệ từng tấc lãnh thổ."

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ không thông báo cho Nga về các kế hoạch triển khai mới vừa được công bố, cũng cho rằng không cần phải làm như vậy.

Tờ Financial Times cho rằng, đây sẽ là một phần trong hành động phòng ngự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tại hội nghị, ông Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ xây dựng một trụ sở Lục quân mới lâu dài ở Ba Lan để củng cố sườn phía đông của NATO. Nhà Trắng nói thêm rằng trụ sở sẽ được biên chế một tiểu đoàn yểm trợ dã chiến - đội quân thường trực đầu tiên của Mỹ ở sườn phía đông của NATO.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng cường khả năng phòng không của Đức và Italy, gửi một phi đội máy bay chiến đấu F-35 tới Anh, tăng số lượng tàu khu trục của Hải quân Mỹ tại Tây Ban Nha từ 4 lên 6 chiếc, gửi thêm 5.000 quân đến Romania, và gia tăng việc triển khai luân phiên tại các quốc gia Biển Baltic.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng các cuộc triển khai quân sự của Mỹ ở châu Âu hiện sẽ giữ cho lực lượng ở mức cao khoảng 100.000 quân. Mỹ đã tạm thời điều động thêm 20.000 quân đến châu Âu kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hôm 25/2.

Ông Biden cho biết. Hội nghị thượng đỉnh (NATO) này sẽ là "lịch sử" và việc triển khai thêm của Mỹ sẽ "gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng NATO mạnh mẽ và đoàn kết."

Stoltenberg nói: "Cuộc cải tổ lớn nhất về phòng thủ tập thể (NATO) của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc sẽ được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh này".

Ngoài Mỹ, các nước NATO khác dự kiến ​​sẽ công bố tăng chi tiêu quốc phòng và triển khai bổ sung tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, đồng thời đồng ý hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ NATO khi giá năng lượng và các nhu yếu phẩm khác tăng mạnh trong bối cảnh chiến tranh bùng nổ và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây đối với Nga. Cũng có những chia rẽ trong NATO về việc cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào và Ukraine cần nhượng bộ gì để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Thu Thủy