Bệnh viện không thể tăng thu nhập để 'giữ chân' bác sĩ
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:45, 30/06/2022
“Dứt áo ra đi” sau 10 năm làm ở bệnh viện công
Gắn bó với bệnh viện đã 10 năm, nhưng đầu năm nay, bác sĩ T. phải “dứt áo ra đi” để sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân. “Tôi rất tiếc khi phải chuyển đi, nhưng tôi không có cách nào khác” - bác sĩ T. chia sẻ.
Theo lời kể của nam bác sĩ, thu nhập ở bệnh viện cũ không thấp nhưng không đủ để trang trải cuộc sống. “Tôi là người đã học đến thạc sĩ, lại có nhiều nghiên cứu khoa học nên được tăng lương trước thời hạn nhiều lần. Tuy vậy, thu nhập của tôi chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng, khi chưa có dịch COVID-19, tăng thêm khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nữa, tổng thu nhập là 15 triệu đồng/tháng” - bác sĩ T. kể.
Tuy vậy, 2 năm qua khi có dịch COVID-19, thu nhập tăng thêm của anh “ngót” lại chỉ còn 200.000-500.000 đồng/tháng. Để có thêm tiền, anh T. phải trực đọc phim ở các đơn vị khác, làm thêm nhiều việc. Dù có thêm thu nhập, nhưng cái giá phải trả là ít ngủ, sức khoẻ bị suy giảm, không có thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái…
Vợ anh T. cũng làm nhân viên y tế tại một bệnh viện công. Tổng thu nhập của vợ chồng (kể cả tiền làm thêm của anh) khoảng 20-25 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô. Khi con anh T. phải đưa đi can thiệp vì bị bệnh tự kỷ, anh quyết định phải thay đổi công việc đến nơi có thu nhập cao hơn. Anh T. nói, anh không có điều gì phàn nàn về môi trường làm việc của bệnh viện cũ, mà lý do chuyển việc đơn thuần là vì vấn đề đồng lương. “Làm ở nơi mới, tôi có thu nhập cao hơn, đảm bảo cuộc sống, nên có thời gian tập trung vào chuyên môn cũng như nghỉ ngơi, có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi làm thêm như trước” - anh T. nói.
Trao đổi với phóng viên, giám đốc bệnh viện - nơi anh T. làm việc trước đây - cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 4 trường hợp (2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nhân viên phòng công nghệ thông tin) nghỉ việc, chuyển công tác. “2 bác sĩ (trong đó có bác sĩ T.) chuyển đi là do thu nhập thấp; nhân viên điều dưỡng cho biết lý do là công việc vất vả, thu nhập thấp” - giám đốc bệnh viện nói.
Vị giám đốc bệnh viện này chia sẻ thêm, 2 năm dịch COVID-19 vừa rồi là thử nghiệm “tự chủ bệnh viện”, trong khi giá dịch vụ y tế bảo hiểm y tế chi trả thì chưa được tính đúng, tính đủ.
“Trước khi có dịch COVID-19, nhân viên y tế còn xoay xở được, thu nhập cũng thấp nhưng chịu đựng được. Khi có dịch COVID-19, nguồn bệnh nhân giảm, công việc giảm, lại phải chi phòng chống dịch… Thu nhập của nhân viên y tế chỉ có lương (bắt buộc phải chi) vì bệnh viện cũng cạn kiệt dự phòng, không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm hằng tháng, giá cả lại leo thang nên đời sống nhân viên y tế giảm là không thể tránh khỏi” - lãnh đạo bệnh viện phân tích và so sánh, trong khi khu vực tư nhân, giá dịch vụ y tế tự quy định, bệnh nhân có điều kiện hơn nên hoàn toàn có thể trả lương cao để thu hút cán bộ có chuyên môn.
Nhân viên y tế không có thu nhập tăng thêm trong thời gian dịch COVID-19
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Tố Tâm - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội - cho biết, con số gần 900 nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác chủ yếu là ở khối bệnh viện vì ở bệnh viện làm chuyên môn, có tay nghề thì ra ngoài dễ hành nghề hơn; khối dự phòng thì khó hơn. Trong số này, chủ yếu là bác sĩ. Theo ông Tâm, do cán bộ, viên chức trong ngành đông (gần 30.000 người), lao động chuyển đi, lao động vào làm việc gần như cân bằng, không bị thiếu hụt nhân lực.
Về nguyên nhân thực trạng này, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, hiện các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là khối bệnh viện đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên 100%, trong khi đó, 2 năm vừa qua, do dịch COVID-19 nên nguồn thu bị hạn chế rất nhiều.
Ông Tâm nói thêm, COVID-19 là bệnh nhóm A, việc điều trị bệnh nhân được chi trả từ ngân sách nhà nước, bệnh nhân không phải chi trả. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chưa chuyển tiền cho các đơn vị, nên các đơn vị phải tạm ứng nguồn thu để đáp ứng cho điều trị bệnh nhân COVID-19, nên khó khăn lại càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
“Thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế là không có. Trước đây 1 tháng nhân viên y tế có thể được thêm một vài triệu (thu nhập tăng thêm), nhưng 2 năm vừa rồi do dịch nên đối tượng đến cơ sở y tế khám chữa bệnh giảm, nguồn thu của đơn vị bị hạn chế nhiều, đời sống nhân viên y tế vất vả hơn” - ông Tâm chia sẻ.
Theo ông Tâm, trước tình hình này, hiện Sở Y tế đang trình Hội đồng nhân dân thành phố xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ chế độ chính sách thêm cho cán bộ y tế của tất cả các đối tượng trong ngành.
“Hy vọng trong năm nay Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua Nghị quyết hỗ trợ về thu nhập cho nhân viên y tế, để họ được thụ hưởng, đỡ khó khăn hơn” - người đứng đầu Công đoàn ngành Y tế thủ đô bày tỏ và hy vọng, dịch COVID-19 ổn định dần, hoạt động chuyên môn của ngành đi vào trạng thái bình thường cũ, các bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đồng thời nâng cao năng lực của các đơn vị lên, từ đó nâng cao đời sống của nhân viên y tế.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ viên chức, nhân viên y tế đã tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những cố gắng, nỗ lực của viên chức, nhân viên y tế được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả: Cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong 2 năm vừa qua, đã có nhiều viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như có biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân (theo mẫu gửi kèm), thời điểm thống kê từ ngày 1.1.2022 đến ngày 15.6.2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong gần 2 năm có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 4.2022, có tới 226 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác.
Tại TPHCM chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý I/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc.
Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, số này cao hơn nhiều so với các năm trước.
Tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ.
Lệ Hà