Thị trường phân bón có còn biến động?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:10, 30/06/2022
Theo Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), công suất thiết kế các nhà máy urea trên toàn cầu là 216 triệu tấn, trung bình vận hành ở tải 80% là 172 triệu tấn tương ứng với nhu cầu hàng năm.
Năm 2021 ghi nhận công suất trung bình đạt 78.6% đây là mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỉ do việc gián đoạn nguồn cung năng lượng trong năm 2021 và việc đóng cửa 1 số nhà máy phân urea do thiếu nguyên liệu (châu Âu), thiếu lao động/máy móc thiết bị sửa chữa vì ảnh hưởng của COVID-19.
Song song đó, nhu cầu cũng giảm nhẹ do giá phân bón tăng nhanh hơn giá bán nông sản, ngoài ra việc biến đổi khí hậu cũng góp phần làm giảm diện tích canh tác ở nhiều khu vực.
Tại Hội nghị IFA năm nay, các dự báo ghi nhận năm 2023 nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ hồi phục nhẹ, ở mức từ 1,2% - 1,9%. Nguyên nhân chính là sau đại dịch, sản xuất nông nghiệp đã tăng trở lại. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột Nga – Ukraine khiến nhiều quốc gia sẽ phải gia tăng diện tích canh tác để tự túc lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây.
Hiện nay giá urea tại khu vực đã giảm từ trên 800$ xuống còn khoảng 620$/tấn FOB nhưng Kali, DAP vẫn xoay quanh mức 950-1.000$/tấn FOB là rất cao so với khả năng chi trả của nông dân hiện tại. Dự báo trong thời gian tới giá DAP, Kali sẽ giảm mạnh còn giá urea sẽ ổn định xoay quanh mức giá 600$/tấn FOB. Giá urea sẽ khó có thể giảm thêm do giá thành sản xuất tại hầu hết các khu vực đều đã tăng so với 2021.
Đến nay, các quốc gia tại châu Âu và Mỹ Latin vẫn đang phải nhập khẩu urea ở mức 740 $/tấn CFR. Mức giá này thậm chí được cho là thấp hơn giá thành sản xuất urea tại châu Âu. Theo Argus Nitrogen ngày 23/6/2022, do thiếu hụt nguồn khí từ Nga nên giá khí sản xuất urea tại châu Âu đã đạt mức trên 40$/mmBtu, tương đương giá thành urea xuất xưởng là 800-900$/tấn và giá ammonia là 1.375$/tấn
Ngành phân bón Việt Nam với công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm và giá thành hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Bên cạnh đó năng lực sản xuất urea của 4 nhà máy tại Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 100% nhu cầu nội địa và còn dư thừa khoảng 500 ngàn tấn để xuất khẩu.
Đây chính là cơ hội cho các nhà máy sản xuất urea trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tối ưu công suất và tăng cường đóng góp cho ngân sách nhà nước từ nguồn thuế xuất khẩu. Được biết, một số nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã xuất khẩu được sang một số thị trường khó tính như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Úc.